Cố phiếu bia Hà Nội bứt phá siêu tốc tăng 100%

Vượt qua các tỷ phú đô la như ông Phạm Nhật Vượng, ông Trịnh Văn Quyết, Bia Hà Nội tăng siêu tốc và 'vượt bão' chỉ trong 1 tuần.
Cố phiếu bia Hà Nội bứt phá siêu tốc tăng 100%

Tuần này, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều phiên giao dịch thăng trầm. Khá nhiều cổ phiếu đại gia đua nhau đi lùi. Tuy nhiên, cổ phiếu BHN của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) lại “vượt bão” và bứt phá mạnh mẽ.

Chào sàn UpCOM từ ngày 28/10, cổ phiếu bia Hà Nội (BHN) liên tục tăng trần. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch BHN rất khiêm tốn, thậm chí có phiên chỉ đạt 100 đơn vị. Đây là điều dễ hiểu vì cổ phiếu BHN “trôi nổi” không có nhiều.

Tuần này, sau 5 phiên giao dịch, BHN tăng 54.900 đồng/CP, tương ứng 100% lên 109.500 đồng/CP. Đà tăng mạnh của BHN giúp vốn hóa thị trường Habeco tăng 1.273 tỷ đồng lên 25.382 tỷ đồng.

Trong khi đó, các tỷ phú đô la trên sàn chứng khoán Việt Nam bắt đầu yếu sức. Mặc dù vẫn duy trì đà tăng nhưng tốc độ tăng tài sản của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, tỷ phú đô la thứ hai ở Việt Nam đã chậm lại. Nguyên nhân là do cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần xây dựng Faros bớt nóng và cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC gần như bất động.

Cụ thể, trong tuần này, ROS chỉ tăng 5.400 đồng/CP lên 90.000 đồng/CP. Nhờ ROS, vốn hóa thị trường công ty Faros có thêm 2.322 tỷ đồng. Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết là người được hưởng lợi nhiều nhất. Sau 5 phiên giao dịch, giá trị cổ phiếu ROS do ông Quyết nắm giữ tăng 1.510 tỷ đồng.

Trong khi đó cổ phiếu FLC gần như bất động. Sau 5 phiên giao dịch, FLC chỉ tăng 110 đồng/CP. Giá trị cổ phiếu FLC do ông Quyết nắm giữ chỉ có thêm 12 tỷ đồng. Dù vậy, tổng giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Quyết cũng đạt 25.874 tỷ đồng.

Nhờ khối tài sản khổng lồ này, ông Quyết đang đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup. Tuần này, cổ phiếu VIC giảm nhẹ nên tài sản của ông Vượng giảm xuống 30.700 tỷ đồng.

Giống như ROS, bất chấp thị trường rung lắc, cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động vẫn duy trì đà tăng trưởng. MWG tăng 3.000 đồng/CP. Nhờ MWG, vốn hóa thị trường Thế giới di động có thêm 441 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Thế giới di động tiếp tục giàu lên nhờ MWG. MWG đã mang lại cho ông Tài 11 tỷ đồng. Ông Tài đang đứng ở vị trí thứ 6 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Các đại gia khác trên sàn chứng khoán có 1 tuần khá khó khăn. Mặc dù các công ty thép liên tục báo lãi khủng nhưng cổ phiếu thép lại không tận dụng được lợi thế. Là cổ phiếu thép có sức ảnh hưởng lớn nhất trên sàn giao dịch nhưng HPG của công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát lại đi lùi.

Chốt tuần, HPG dừng ở mức 39.600 đồng/CP, giảm 1.200 đồng/CP. HPG khiến ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát phải chứng kiến khối tài sản giảm 221 tỷ đồng xuống 7.299 tỷ đồng.

Sự mất mát của ông Long sẽ còn lớn hơn nếu tính cả lượng cổ phiếu HPG do bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long nắm giữ. Sau 5 phiên giao dịch, HPG khiến tài sản của bà Hiền “bốc hơi” 64 tỷ đồng. Bà Hiền đang đứng ở vị trí cuối cùng trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Giống như ông Trịnh Văn Quyết, ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) bất ngờ trở thành ngôi sao sáng trên sàn chứng khoán sau khi nêm yết “tân binh” TCH.

Đóng cửa tuần, TCH dừng ở mức 23.700 đồng/CP sau khi giảm 6.500 đồng/CP. TCH khiến tài sản của ông Hạ “bốc hơi” 893 tỷ đồng.

Theo VOV NEWS

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...