VnIndex vượt 720 điểm, nhóm cổ phiếu ngân hàng bất ngờ “nóng” trở lại
“Sóng” ngân hàng
Phiên giao dịch sáng nay 24/3 tràn ngập sắc xanh khi có tới 117 mã tăng giá, 52 mã đứng giá và 116 mã giảm giá, tạo tâm lý hứng khởi cho nhà đầu tư ngay đầu phiên. Đến 10h35 phút, chỉ số VN-Index tăng 2,7 điểm (0,38%) lên 722,26 điểm; HNX-Index tăng 1,33 điểm (1,48%) lên 91,23 điểm và UPcom-Index tăng 0,15 điểm (0,26%) lên 57,81 điểm.
Hết phiên sáng, VN-Index lùi về mốc 721.06 điểm, HNX-Index lùi về 91,08 điểm, chỉ số VN30 ở mức 691,8 điểm với 16 mã trong rổ tính đều tăng mạnh, 10 mã giảm điểm.
Phiên sáng nay, nhiều mã cổ phiếu bật tăng mạnh giúp giữ nhịp thị trường, nhất là nhóm Bluechips có nhiều mã tăng mạnh như VNM, CTD, BHN, ROS, VJC, HPG, HSG, BVH…
Đáng chú ý, nhóm các cổ phiếu ngân hàng gây ngạc nhiên khi miệt mài tăng trong suốt tuần này, như VCB, CTG, BID, STB, ACB, SHB, MBB… Đây cũng là thời điểm các ngân hàng rục rịch chuẩn bị tổ chức ĐHCĐ thường niên 2017 vào tháng 4 tới đây, công bố kết quả kinh doanh năm 2016 (đã kiểm toán) cũng như đưa ra mục tiêu kinh doanh năm 2017.
Trong số này, 3 ngân hàng đã thông báo chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị họp ĐHCĐ, gồm: Vietinbank dự kiến họp ngày 17/4/2017, BIDV dự kiến họp ngày 22/4/2017, Vietcombank dự kiến họp ngày 28/4/2017… đều diễn ra tại Hà Nội. Các ngân hàng có trụ sở ở phía Nam như ACB, Sacombank, Eximbank… cũng rậm rịch chốt danh sách cổ đông mời họp.
Ngay trước thềm ĐHCĐ, 8 mã cổ phiếu đang niêm yết của khối ngân hàng đều ghi nhận sự tăng giá mạnh mẽ. Cụ thể, cổ phiếu VCB đã tăng 4%, từ mức 37.000 đồng/CP trong nhiều tuần gần đây lên mức cao nhất 38.500 đồng/CP phiên sáng nay.
Mã tăng mạnh nhất trong nhóm là ACB khi giảm sàn về 22.500 đồng/CP, nhưng nhanh chóng quay lại đường đua, bứt phá tăng vọt lên mức 25.700 đồng/CP, tức tăng tới 14,22%.
Sau thời gian dài ì ạch trên dưới mức 5.000 đồng/CP, mã SHB- Ngân hàng Sài Gòn- Hà Nội bất ngờ tăng tới 14% lên 5.700 đông/CP phiên sáng nay. Hay mã MBB- Ngân hàng Quân Đội cũng tăng nhanh từ mức 13.800 đồng/CP lên mức 15.600 đồng/CP…
Mã STB bất ngờ được hâm “nóng” sau thông tin ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch Sacombank sẽ quay trở lại ngân hàng này sau thời gian dài vắng bóng. Từ mức giá sàn 10.650 đồng/CP, STB tăng tốc lên mức 11.650 đồng/CP, tăng hơn 9,4% chỉ qua vài phiên.
Khối ngoại cũng tích cực mua gom mã STB trong một động thái được cho là liên quan tới sự trở lại của ông Đặng Văn Thành, chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công đang muốn tham gia tái cơ cấu Sacombank. Mà cùng với ông Thành còn có nhóm nhà đầu tư Evercore Group, Redsun Capital Limited.
Sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam và nhóm cổ đông Trầm Bê bàn giao lại cổ phần, tài sản để khắc phục nợ liên quan, Sacombank đã bị đưa vào điện phải thực hiện tái cơ cấu trong năm 2017 cùng với một ngân hàng yếu kém, khiến thị trường lo sợ, giá cổ phiếu STB trượt dốc…
Tuy vậy, lãnh đạo Sacombank đã lên tiếng khẳng định “chúng tôi không phải ngân hàng yếu kém” mà đang thực hiện đề án tái cấu trúc hậu sáp nhập. Song việc sáp nhập Phương Nam đã khiến kết quả kinh doanh của Sacombank bị giảm mạnh mà theo tiết lộ của lãnh đạo nhà băng, Sacombank có thể lãi tới 4.000 tỷ đồng trong năm 2016 nếu không phải trích lập dự phòng cho các khoản tài sản không sinh lời, nợ xấu của Phương Nam.
Hồi hộp chờ cổ tức ngân hàng
Ở thời điểm này, các cổ đông, nhà đầu tư đang chờ đợt con số lợi nhuận chính xác của năm 2016 từ các ngân hàng sẽ được công bố tại ĐHCĐ cận kề. Nhất là, tỷ lệ cổ tức có cải thiện không khi mà 3 năm qua, các ngân hàng bị siết chặt việc chia cổ tức ở mức thấp trên dưới 10% hoặc không chia cổ tức.
Năm 2016 Vietcombank ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tới 24%, đạt hơn 8.517 tỷ đồng và lãi sau thuế còn 6.845 tỷ đồng. Chỉ số EPS được cải thiện, tăng 16% lên 1.897 đồng/CP. Năm ngoái, VCB đã duyệt chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt 10% và thưởng cổ phiếu 35%. Song năm 2016 lãi lớn hơn, cổ đông kỳ vọng tỷ lệ cổ tức sẽ hậu hĩnh hơn.
Dù vậy, với dư nợ xấu cuối kỳ hơn 6.835 tỷ đồng (chiếm tới 2/3 là nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn 4.187 tỷ đồng), trích lập dự phòng rủi ro tới 8.125 tỷ đồng thì Vietcombank có lẽ phải đắn đo một tỷ lệ cổ tức hợp lý. Đây cũng là một trong nhiều lý do khiến cho giá cổ phiếu VCB trên sàn luôn ở trạng thái lình xình khó bứt phá lên mốc 40.000 đồng/CP như kỳ vọng của nhà đầu tư.
Trong khi đó, cổ phiếu CTG – Vietinbank cũng tăng khá chậm, quanh mức 17.800-18.000 đồng/CP, nhưng tuần qua, CTG bất ngờ tăng 3,31% lên mức 18.700 đồng/CP. Một thông tin tích cực là Vietinbank đã cam kết tài trợ “khủng” tới 10 nghìn tỷ đồng cho siêu dự án thép tỷ đô của Tập đoàn Hoà Phát tại KKT Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận cho ngân hàng trong 5 năm tới.
Năm 2016, Vietinbank báo lãi trước thuế 8.530 tỷ đồng và lãi sau thuế 6.825 tỷ đồng. Báo cáo cho thấy Vietinbank còn hơn 9.662 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tăng 145% so với số liệu cuối năm 2015. Song năm qua, trước sức ép thu đòi cổ tức của cổ đông Nhà nước, Vietinbank đã buộc phải thực hiện chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 7%, tương ứng chi 2.606 tỷ đồng dù trước đó ĐHCĐ 2016 đã nhất trí không chia cổ tức. Tương tự, BIDV cũng phải biểu quyết lại chia cổ tức 8,5% bằng tiền mặt… khiến cho nguồn tiền dự định để tăng vốn bị co hẹp hơn.
Dù báo lãi lớn, song Vietinbank vẫn canh cánh áp lực xử lý nợ xấu khi mà đến cuối năm 2016 nợ xấu đã tăng lên gần 6.743 tỷ đồng, chiếm 1,02% tổng dư nợ. Ngân hàng phải tăng thêm 2.312 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro, lên mức 6.862 tỷ đồng…
Khối ngân hàng TMCP niêm yết như ACB, Sacombank, SHB…đều đang phải cân đối lợi nhuận, tiết giảm cổ tức để tập trung vào mục tiêu tăng vốn, tăng hệ số an toàn vốn CAR, mở rộng tín dụng, đảm bảo cho sự tăng trưởng an toàn và bền vững theo chuẩn Basel II.
Kim Anh
>> Nợ xấu hơn 6.800 tỷ đồng, lợi nhuận Vietcombank teo tóp