đặc biệt là ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Ông Thăng bị khởi tố sau khi cơ quan cảnh sát điều tra mở rộng vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại PVN, gây thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank và vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Việc ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt giam cho thấy không hề có vùng cấm nào và không loại trừ một ai trong việc xử lý cán bộ có sai phạm, thể hiện quyết tâm của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên trong ngày đầu tiên thị trường chứng khoán giao dịch sau tin “nóng” trên thì nhóm ngân hàng lại sụt mạnh hơn cả nhóm dầu khí. Ngoại trừ LPB của LienVietPostBank, thì tất cả các cổ phiếu ngân hàng còn lại trên sàn HoSE, HNX lẫn UpCOM đồng loạt sụt giảm mạnh. Trong đó CTG của VietinBank chìm sâu nhất khi phải “nằm sàn”. Một số ngân hàng ghi nhận cổ phiếu giảm sâu như là BID của BIDV giảm 4%, VCB của Vietcombank giảm 5,2%; STB của Sacombank mất 5%; SHB giảm 5,3%...
Cổ phiếu ngân hàng sụt mạnh trong phiên 11/12, ngoại trừ LPB của LienVietPostBank và KLB của Kienlongbank
Thông tin đầu tiên được cho là tác động đến thị trường là lịch xét xử các đại án gồm Huỳnh Thị Huyền Như – cựu cán bộ VietinBank; ông Trầm Bê và Phan Huy Khang – cựu sếp Sacombank; ông Phạm Công Danh – cựu chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng ra tòa lần thứ 3. Các phiên tòa này sẽ được xét xử trong tháng 1 tại Tp. Hồ Chí Minh, với vụ Huyền Như xử trước và vụ đại án liên quan Phạm Công Danh và 3 ngân hàng BIDV, Sacombank, TienphongBank diễn ra sau và kéo dài đến sát Tết nguyên đán.
Thời gian qua, các đại án kinh tế liên quan đến hoạt động ngân hàng được đưa ra xét xử công khai, minh bạch và là hồi chuông cảnh tỉnh cho những cán bộ ngành ngân hàng không vì tư lợi mà đánh mất đi đạo đức nghề nghiệp để rồi phải trả giá bằng những năm tháng vướng vòng lao lý. Các bản án nghiêm khắc nhưng cũng thấu tình đạt lý chính là những thông tin tích cực, hướng đến một ngành ngân hàng trong sạch, lành mạnh hơn.
Tuy nhiên một nguyên nhân nữa khiến cho các cổ phiếu ngân hàng sụt giảm còn bởi hoạt động chốt lời của nhà đầu tư sau thời gian dài dòng cổ phiếu “vua” này đi lên không ngừng nghỉ cho đến hết tháng 11.
Tính đến 30/11, cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội đã tăng gấp đôi, nhiều cổ phiếu tăng giá 60 – 70% như là CTG của VietinBank, BID của BIDV, ACB của ngân hàng ACB, STB của Sacombank…Các cổ phiếu khác cũng tăng trên dưới 30% như VCB của Vietcombank, VIB của VIB…Duy chỉ có KLB của Kienlongbank và VPB của VPBank là không tăng mà lại giảm.
Trong số các cổ phiếu sụt giảm phiên hôm nay, đáng lưu ý VPBank đã có phiên giảm thứ 5 liên tiếp; CTG của VietinBank đứng giá 1 phiên và giảm 5 phiên trong vòng 6 phiên trở lại đây; ACB, BID, EIB có phiên giảm thứ 3 liên tiếp…
LPB của LienVietPostBank là cổ phiếu duy nhất chống được vòng xoáy thị trường hôm nay nhờ các thông tin tích cực. Cuối tuần qua, Tổng giám đốc ngân hàng là ông Phạm Doãn Sơn cho biết trong 11 tháng đầu năm ngân hàng kinh doanh rất tích cực, dự kiến cả năm sẽ đạt lợi nhuận không dưới 1.700 tỷ đồng (kế hoạch là 1.500 tỷ) và sẽ nâng tỷ lệ chi trả cổ tức từ 12% lên 15% trong đó 12% bằng tiền mặt và 3% bằng cổ phiếu. Ngoài ra LienVietPostBank cũng đang được các nhà đầu tư săn đón và lãnh đạo ngân hàng này tin tưởng LPB đủ sức để hấp dẫn người mua.
Theo Tùng Lâm/Trí thức trẻ
>> Hợp đồng tương lai Bitcoin đã có thể giao dịch trên CBOE