Cổ phiếu STB tăng 38%, LienVietPostBank muốn bán bớt vốn

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (mã: LPB) dự tính sẽ bán bớt một phần cổ phiếu STB để giảm tỷ lệ sở hữu và thu hồi vốn đầu tư.
Cổ phiếu STB tăng 38%, LienVietPostBank muốn bán bớt vốn

Trong vòng 3 tháng qua, cổ phiếu STB của Sacombank biến động mạnh, tăng hai nhịp từ mức 11.200 đồng/CP lên mức hiện tại 15.500 đồng/CP, tức tăng tới 38% thị giá. Sacombank là ngân hàng mà cựu chủ tịch LienvietPostBank Dương Công Minh hiện đang ngồi ghế tân Chủ tịch HĐQT từ giữa năm 2017 đến nay.

Theo tiết lộ của lãnh đạo LienVietPostBank, ngân hàng nhận thấy diễn biến giá cổ phiếu STB tăng trưởng tốt nên ngân hàng tính bán bớt cổ phần để chốt lời, thu hồi vốn đầu tư. Việc bán cổ phiếu STB cũng nằm trong lộ trình đầu tư dự kiến của LienVietPostBank, và lựa chọn thời điểm phù hợp để đảm bảo có lợi nhất cho ngân hàng và cổ đông.

Trước đó, LienVietPostBank đã đầu tư sở hữu cổ phần STB với khoảng 60 triệu cổ phiếu, chiếm 3,18% vốn điều lệ của Sacombank.

Không chỉ LienvietPostBank, ngân hàng Eximbank cũng rốt ráo thực hiện thoái vốn tại Sacombank để bóc tách dần sở hữu chéo theo quy định Thông tư 36.

Theo đó, tháng 12/2017, Eximbank đã bán bớt hơn 4,93 triệu cổ phiếu STB, đưa tỷ lệ sở hữu từ mức hơn 165,2 triệu cổ phiếu tương đương 9,16% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của Sacombank, xuống còn 160,29 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 8,887% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của Sacombank. Lý do Eximbank thay đổi sở hữu là bán để đáp ứng quy định của Thông tư 36/2014. Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu là 29/11/2017. Với vùng giá bán cổ phiếu STB ở quanh mức 13.100 đồng/CP, Eximbank đã thu về khoảng 65 tỷ đồng trong đợt thoái vốn này.

Nhiều năm qua, Sacombank hoạt động kinh doanh sa sút do cuộc “nội chiến” giữa các nhóm cổ đâu trong thương vụ thâu tóm nhà băng này từ hồi năm 2010. Hơn nữa, sau khi Sacombank nhận sáp nhập Phương Nam, phải gánh thêm khối nợ xấu khổng lồ, bao gồm hơn hàng chục nghìn tỷ nợ của nhóm Trầm Bê. Cổ phiếu STB đã lao dốc mạnh, có thời điểm chỉ còn 7.000 đồng/CP. Trong năm 2017, hoạt động kinh doanh của Sacombank đã ổn định sau khi thay đổi hàng loạt nhân sự lãnh đạo chủ chốt, cải thiện chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu… Cùng với đó thị trường chứng khoán khởi sắc tăng trưởng mạnh tạo điều kiện cho ngân hàng thoái vốn.

Số liệu mới nhất từ Sacombank cho biết trong năm 2017 đã xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng; hơn 15.000 tỷ đồng trong số đó là thuộc đề án tái cơ cấu. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đầu năm 2017 là 6,68% tổng dư nợ, cuối năm 2017 đã giảm xuống còn 4,28% và dự kiến sẽ giảm về 3% trong năm 2018.

Đến cuối năm 2017, tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 364.000 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm; tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 323.000 tỷ đồng, tăng 11,4%; dư nợ tín dụng hơn 219.000 tỷ đồng, tăng 12,6%.

>> Hàng loạt lãnh đạo LienVietPostBank từ chối quyền mua thêm cổ phiếu

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...