Phát triển bền vững là mục tiêu mà bất cứ quốc gia hay doanh nghiệp nào đều hướng tới. Để đạt được điều đó, song song với việc đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp cần thực hiện các hoạt động đảm bảo cân bằng giữa việc tạo ra lợi nhuận với việc nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, giữa việc mang đến lợi ích cho doanh nghiệp với việc đem đến giá trị cho cộng đồng, đó là trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR) – xu hướng tất yếu cho doanh nghiệp thời hội nhập.
Thách thức CSR thời hội nhập đối với doanh nghiệp Việt Nam
Mặc dù khái niệm CSR đã có đây hơn 50 năm nhưng đối với Việt Nam dường như vẫn còn mới mẻ. Theo khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), 63% các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn chưa hiểu thấu đáo về quy trình phát triển bền vững, chưa có tầm nhìn, chiến lược nhất quán về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội. Vì thế việc triển khai CSR vẫn là một bài toán khó.
Theo GS. Mark Kramer, Ðại học Harvard, các doanh nghiệp thường nghĩ đến việc kinh doanh trong phạm vi hạn hẹp, và coi vai trò của mình trong xã hội chủ yếu là tạo ra tiền bạc và lợi nhuận. Họ cho rằng các vấn đề xã hội là của xã hội, của Chính phủ chứ không phải của mình. Vì hiểu sai lệch về CSR nên nhiều doanh nghiệp né tránh, họ sợ gánh nặng, trách nhiệm, sợ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Có một số doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của CSR nhưng lại viện lý do không đủ kinh phí thực hiện. Đây là tình trạng chung không chỉ ở Việt Nam mà còn tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Mặc dù phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là Doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng trong bối cảnh chúng ta đang rộng cửa đón các hiệp định thương mại quốc tế lẫn khu vực thì việc đưa ra giải pháp thực hiện CSR cần một giải pháp tối ưu, hiệu quả về chi phí trong việc ổn định, giữ chân nhân viên yên tâm làm việc, khi thị trường lao động có nhiều biến động và cạnh tranh.
Để chi phí tối thiểu hiệu quả tối đa thì các doanh nghiệp cần xây dựng các chương trình CSR nội bộ phù hợp với nguồn lực, để nâng cao thế mạnh của mình. Việc tìm kiếm nguồn tài trợ hay hợp tác với các đơn vị cùng tổ chức chương trình đào tạo, giao lưu, giải trí ngay tại văn phòng làm việc là giải pháp tiết kiệm chi phí rất hữu hiệu. Có rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình bằng “giải pháp” đầu tư từ bên trong. Bởi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ là các hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng như tham gia kêu gọi giữ vệ sinh môi trường, ủng hộ đồng bào bị bão lụt... mà còn là ý thức trách nhiệm trong những hoạt động nội bộ của công ty, từ việc tạo dựng môi trường làm việc lành mạnh, tạo điều kiện phát triển thuận lợi, quan tâm chăm sóc đầu tư đến đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nhân viên, nhằm nâng cao chất lượng lao động…
Đầu tư từ bên trong - Lời giải cho bài toán chi phí
Công ty TNHH BĐS KingLand lấy các hoạt động CSR làm nền tảng giúp tạo môi trường tin tưởng thân thiện trong doanh nghiệp để thúc đẩy, tạo động lực cho CBVN làm việc
Đầu tư từ bên trong bằng cách thực hiện những hoạt động nội bộ là giải pháp hoàn hảo cho bài toán chi phí của doanh nghiệp. Không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng tốt nền tảng CSR từ cốt lõi bên trong, tạo dựng nền móng cho những hoạt động cộng đồng lớn và mạnh hơn, mà đây còn là cơ hội để gắn kết nhân viên với công ty, tạo niềm tin, sự yêu quý và gắn kết lâu dài – điều mà các doanh nghiệp vẫn luôn mong muốn từ nhân viên của mình.
Xuất phát từ quan điểm, bắt đầu từ những việc đơn giản nhất nhưng hiệu quả trong hoạt động. Công ty TNHH bất động sản KingLand đã ý thức rõ ràng vai trò và tác động của hoạt động CSR trong doanh nghiệp, nên dù đặc thù công việc có biến động dao động nhân sự cao, nhưng ban lãnh đạo công ty đều tâm huyết, nỗ lực thực hiện hoạt động CSR hướng về người lao động. Hàng tháng ngoài các buổi đào tạo kỹ năng, công ty quan tâm tổ chức những hoạt động PR nội bộ như tiệc chúc mừng sinh nhật, tiệc mừng những sự kiện đặc biệt trong tháng… nhằm kết nối toàn thể nhân viên trong công ty lại với nhau, kéo gần khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên, tạo sự yêu quý, tin tưởng, thân thiện và gắn bó lâu dài, xây dựng môi trường làm việc thoải mái, tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy tinh thần làm việc và cống hiến hết mình cho sự phát triển bền vững của công ty.
Tháng 10/2016, hướng về Miền Trung xa xôi toàn bộ CBNV KingLand đều đồng thuận ủng hộ 1 ngày lương để thể hiện tấm lòng, tuy xa xôi địa lý nhưng một lòng hướng về người dân nơi vùng bão. Hay như khi biết tin gia đình nhân viên có bố bị tai nạn đa chấn thương phải nằm điều trị trong bệnh viện Việt Đức dài ngày. Ban lãnh đạo đã gửi thư kêu gọi toàn thể CBNV mỗi người đều ủng hộ 1 ngày lương trong tháng 11/2016 để chia sẻ phần nào kinh phí giúp đỡ gia đình. Với nền tảng môi trường thân thiện được thiết lập bằng các hoạt động CRS nội bộ, nên các chủ trương, hay thư kêu gọi của Ban lãnh đạo công ty luôn nhận được sự đồng thuận nhất trí cao từ phía CBNV.
Có thể thấy, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có thể làm tốt hoạt động CSR. quan trọng là mỗi doanh nghiệp lựa chọn cho mình cách làm phù hợp để thực hiện trách nhiệm và vai trò này sao cho hiệu quả. Đẩy mạnh hoạt động gắn kết nội bộ, tạo môi trường làm việc thân thiện, thoải mái, quan tâm nâng cao chất lượng lao động là những bước đi đầu tiên của việc hoàn thành trách nhiệm CSR mà mỗi doanh nghiệp cần làm trên con đường phát triển kinh doanh bền vững của mình.
Mai Hương Thảo