Cuộc 'soán ngôi' 10.000 tỷ của Techcombank, VPBank

Những mục tiêu mà các ngân hàng đặt ra trong năm 2018 dự báo một cuộc soán ngôi của khối ngân hàng tư nhân trước khối thương mại nhà nước.
Cuộc 'soán ngôi' 10.000 tỷ của Techcombank, VPBank

Đại hội cổ đông giới ngân hàng năm nay được mở đầu bằng Techcombank Năm 2017, ngân hàng này báo lãi kỷ lục khi đạt 8.036 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Thừa thắng xông lên, ngân hàng đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một ngân hàng thương mại cổ phần có kế hoạch lãi cao như vậy.

Techcombank không phải là ngân hàng duy nhất đặt ra mục tiêu đầy tham vọng này. Một ngân hàng TMCP khác là VPBank cũng vừa có một năm kinh doanh rất thành công. Năm 2017, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của VPBank đã tăng 65%, đạt 8.130 tỷ đồng, cao nhất trong khối các ngân hàng TMCP Việt Nam. Thừa thắng xông lên, VPBank tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 33%, tương đương 10.800 tỷ đồng trong năm nay.

Duy trì tốc độ tăng trưởng cao sau một bước nhảy vọt là kế hoạch đầy tham vọng của VPBank. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank tin rằng, VPBank sẽ đạt kế hoạch đề ra. Những năm qua, VPBank đã phải liên tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vì vượt chỉ tiêu quá sớm.

Nếu so sánh con số 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mà Techcombank và VPBank đề ra, có thể thấy các ngân hàng này đã bám đuổi rất sát nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước là Vietcombank (lãi 11.018 tỷ đồng trong năm 2017), BIDV (8.800 tỷ đồng) và Vietinbank (9.206 tỷ đồng).

Ở nhóm dưới, không ít các ngân hàng cũng phá kỷ lục lợi nhuận của chính mình. HDBank có lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi (2.416 tỷ đồng), MBB tăng 44% (5.355 tỷ đồng), VIB tăng gấp đôi (1.405 tỷ đồng). Trong số này, có không ít ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 50 – 100% trong năm 2018, như HDBank hay VIB.

Thực tế, giới đầu tư đã dự báo trước về báo cáo lợi nhuận đột biến của nhóm ngân hàng, sau những thông tin khả quan vào cuối năm. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP cao và lạm phát được duy trì ở mức thấp, dự trữ ngoại hối tăng vọt. Trong khi đó các khoản nợ xấu gần như đã đã được các ngân hàng trích lập dự phòng đầy đủ là những yếu tố giúp lợi nhuận ngân hàng bùng nổ.

Những yếu tố đó dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì trong năm nay. Tổng cục thống kê mới đây vừa công bố, GDP trong quý 1 của Việt Nam đã tăng 7,38%, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Những con số cho thấy niềm tin của người dân vào nền kinh tế đang lên cao.

Với việc các ngân hàng đồng loạt lên kế hoạch nhân đôi lợi nhuận như vậy, 2018 dự kiến sẽ là năm các ngân hàng báo lãi với quy mô chưa từng có trong lịch sử.

Trong con “sóng thần” đó, dấu ấn từ nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tỏ ra đậm nét hơn. Lợi nhuận Techcombank và VPBank đang bám rất sát nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước dù quy mô vốn, tổng tài sản ít hơn nhiều.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng TMCP như Techcombank, VPBank đang nhanh hơn nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước rất nhiều

Những ngân hàng quy mô nhỏ hơn như HDBank, VIB cũng không chịu thua kém bằng những kế hoạch tăng trưởng bằng lần trong năm nay.

“Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân sẽ thống trị trong vài năm tới”, nhóm chuyên gia ở Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định.

Theo VCSC, không quá để nhận ra sự đổi mới trong hệ thống ngân hàng, khi chất lượng tài sản, chất lượng tăng trưởng tín dụng và quá trình giảm tỉ lệ sở hữu chéo tiếp tục được cải thiện. Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi từ một khoản mục nhỏ đã trở thành yếu tố dẫn dắt chính cho lợi nhuận của ngân hàng.

Chẳng hạn, VPBank đã thu lợi nhuận đột biến từ công ty tài chính chuyên cho vay tiêu dùng FE Credit. Năm 2017, FE Credit có tổng dư nợ cho vay chỉ khoảng 45 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ 1/4 trên tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống VPBank. Tuy nhiên mô hình này cho thấy sự hiệu quả khi đóng góp lợi nhuận ngang ngửa với mảng ngân hàng.

Trong khi đó, Techcombank lại có cách thu lời kiểu khác. Ngân hàng này đã bán luôn công ty tài chính của mình vì lo lắng rủi ro cao từ các khoản vay tín chấp. Ngân hàng này cũng cho thấy những bước đi an toàn khi không tham gia vào đầu tư cổ phiếu hay bất động sản. Thay vào đó, ngân hàng này tập trung vào lõi là các hoạt động dịch vụ. Một phần lãi của các ngân hàng còn đến từ việc tích cực xử lý nợ xấu để hoàn nhập dự phòng vào lợi nhuận.

Bên cạnh kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng nhảy vọt, tại kỳ đại hội cổ đông năm nay, không ít các ngân hàng đã bỏ ngỏ ý định thâu tóm các ngân hàng yếu kém.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc Ngân hàng Quân Đội (MB) cho biết, MB cũng có nghiên cứu một số ngân hàng, trong đó có PGBank. Tuy nhiên, hiện tại chưa có một thỏa thuận cuối cùng nào và vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, đàm phán, đánh giá.

Với VPBank, trong năm nay ngân hàng này sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn, đồng thời tìm kiếm một thương vụ M&A với tổ chức tín dụng khác.

"Một trong những lý do VPBank mong muốn tăng vốn là bởi trong chiến lược 5 năm ngân hàng luôn muốn M&A với tổ chức tín dụng khác", ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch VPBank chia sẻ.

Theo The Leader

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...