Cụ thể, nguồn vốn huy động tại khu vực Tây Bắc đạt 147.472 tỷ đồng, tăng 11,04% so với cuối năm 2015. Tín dụng đạt 208.784 nghìn tỷ đồng, tăng 10,75%.
Tính đến 31/8/2016, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 78.128 tỷ đồng, tăng 7,73% so với cuối năm 2015, chiếm 37,42% tổng dư nợ cho vay toàn vùng và chiếm 8,7% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc. Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới tại khu vực đạt 65.224 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay từ nguồn vốn tín dụng thương mại đạt 36.084 tỷ đồng.
Về việc triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ, ở khu vực Tây Bắc có 3 doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện chương trình với tổng số tiền cam kết cho vay là 318,5 tỷ đồng.
Trong đó, có 2 doanh nghiệp đã triển khai vay vốn tại ngân hàng thương mại, gồm: Công ty TNHH chè Phong Hải ở tỉnh Lào Cai để thực hiện Dự án đầu tư mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè, doanh số giải ngân đạt 26,95 tỷ đồng.
Công ty CP mía đường Sơn Dương ở tỉnh Tuyên Quang để thực hiện Dự án mô hình liên kết sản xuất với nông dân để duy trì mở rộng vùng nguyên liệu mía đường, doanh số đã giải ngân đạt 60 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thực hiện thí điểm liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Chính phủ...
Ngoài ra, NHNN và UBND các tỉnh trong phạm vi chương trình còn được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về việc tiếp cận vốn tín dụng, phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh. Đến quý II/2016, các tổ chức tín dụng trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc đã cam kết cho vay mới tổng số tiền theo chương trình là hơn 46.275 tỷ đồng, số đối tượng vay 17.308 khách hàng (trong đó có 3.731 doanh nghiệp).
Ngân hàng còn gia hạn, cơ cấu lại nợ, nâng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp.
Thu Hằng