Đại án OceanBank: Vỡ mộng “người buôn tiền”

Thời kỳ căng thẳng thanh khoản 2009-2011, các ngân hàng đua nhau huy động lãi suất vượt trần, đẩy lãi vay lên đỉnh tới 25-27%/năm. Khi vụ án OceanBank đưa ra xét xử mới xác tín về sự tồn tại của những
Đại án OceanBank: Vỡ mộng “người buôn tiền”

Ẩn sau mỗi giao dịch gửi – rút tiền vào OceanBank lại đi kèm những khoản tiền “lại quả” hàng chục tỷ đồng 

Những cựu lãnh đạo nổi tiếng một thời của OceanBank như Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội “cố ý làm trái quy định…”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tham ô tài sản… gây ra thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng.

Từ “giải cứu” nhà băng đến… án tử

Với nhiều sai phạm nghiêm trọng, gây ra thiệt hại lớn và tư lợi cá nhân, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu chủ tịch Tập đoàn PVN và nguyên Tổng giám đốc OceanBank bị đề nghị mức án cao nhất là tử hình. Đây là mức án nghiêm khắc cho tội phạm kinh tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và là lãnh đạo tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn nhất bị dính lao lý sau các trọng án Vinashin, Vinalines…

Còn nhớ, trong giai đoạn 2008-2009, hệ thống ngân hàng phải chạy đua đẩy mạnh huy động vốn để giải quyết căng thẳng thanh khoản do tín dụng tăng trưởng quá “nóng”. Nhất là khối ngân hàng nhỏ như OceanBank… luôn rất khó cạnh tranh thu hút tiền gửi, nên buộc phải tăng lãi suất cao hơn và chi “chăm sóc” khách hàng lớn.

Tuy vậy, OceanBank có lợi thế hơn các nhà băng nhỏ khác khi cổ đông lớn – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN sở hữu 20% cổ phần) cùng các đơn vị thành viên ngành dầu khí hỗ trợ nguồn tiền gửi VND và thu ngoại tệ dồi dào.

Đầu năm 2009, ông Nguyễn Xuân Sơn, khi ấy là cán bộ của Tập đoàn dầu khí Việt Nam được điều sang OceanBank giữ vị trí Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng. Ông Sơn chính là người “gợi ý” cho Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank chi lãi ngoài lãi suất tỷ lệ trên dưới 1%/năm “để huy động được nguồn vốn khổng lồ của các doanh nghiệp thuộc PVN”.

Sau khi Sơn rút về để làm Phó tổng giám đốc PVN thì ông này lại tiến cử Nguyễn Minh Thu làm Tổng giám đốc OceanBank để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “chăm sóc” nhóm khách hàng dầu khí…

Với đặc quyền quyết định việc chi “chăm sóc khách hàng” và rút tiền qua công ty sân sau –Công ty BSC Việt Nam, Sơn đã nhận hơn 69,38 tỷ đồng tiền chi ngoài lãi suất trong giai đoạn từ ngày 22/5/2009 đến hết 31/12/2012. Và chính Sơn đã chỉ đạo cấp dưới thu chênh tiền bán ngoại tệ và chuyển về BSC Việt Nam để có tiền chi lãi ngoài…

Tổng số tiền chi lãi ngoài mà các cán bộ ngân hàng đưa cho Sơn từ đầu năm 2009 đến tháng 6/2014 lên tới 246,6 tỷ đồng song Sơn đều phủ nhận những giao dịch “ngầm” này. Cựu lãnh đạo PVN đã dùng tiền để chi tiêu cá nhân, mua bất động sản lên tới cả triệu USD…

Với cáo buộc tội tham ô, chiếm đoạt 246,6 tỷ đồng, Viện kiểm sát đã đề nghị toà tuyên mức án nghiêm khắc là tử hình đối với bị cáo Sơn.

Bị cáo Hà Văn Thắm cũng bị kết án chung thân cho tội tham ô, chiếm đoạt tài sản trong các hoạt động giao dịch “đi đêm” với khách hàng gửi tiền như Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP)…

Ngày 13/9, cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại 3 công ty nêu trên do có liên quan đến cáo buộc nhận tiền lãi suất ngoài hợp đồng. Oceanbank đã chi lãi ngoài tổng số tiền lên tới 1.576 tỉ đồng (từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014), trong đó chi cho VSP 24,27 tỉ đồng, BSR 19,36 tỉ đồng và PVEP 76,78 tỉ đồng...

Luật ngầm ngành dầu khí?

Phiên toà xét xử đại án OceanBank đã vén dần bức màn bí ẩn về hoạt động điều chuyển dòng tiền khổng lồ trong PVN và các đơn vị thành viên, ngân hàng “ruột” OceanBank.

Giữa thời điểm cạnh tranh huy động vốn lớn, lãi suất tiền gửi cao ngất ngưởng tới 18-20%/năm, nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí có nguồn thu VND và ngoại tệ dồi dào được các ngân hàng “săn đón” để gửi tiền. Thế nhưng, OceanBank dường như có được “đặc quyền” hơn các nhà băng khác nhờ sự hậu thuẫn của cổ đông lớn PVN, giúp điều chuyển tiền gửi lớn ngay lập tức, hỗ trợ chống đỡ thanh khoản có lúc “ngàn cân treo sợi tóc” mà cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm thừa nhận là “mất thanh khoản”.

Được biết, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí PVN đã nhiều lần gửi văn bản cho các đơn vị thành viên thuộc PVN “ưu tiên” sử dụng dịch vụ tài khoản của OceanBank, cũng như “gợi ý” giao dịch tại ngân hàng này. Nhất là, Ban tài chính kế toán của tập đoàn và các đơn vị phải ưu tiên việc cấp phát vốn, thanh toán, chuyển tiền từ tập đoàn cho các đơn vị và giữa các đơn vị với nhau thông qua hệ thống tài khoản đã mở tại OceanBank.

Trong tư cách ngân hàng – thành viên của PVN, việc lãnh đạo tập đoàn chỉ đạo việc quản lý dòng tiền mang tính chất nội bộ, cũng là hoạt động bình thường. Tuy nhiên, ẩn sau mỗi giao dịch gửi – rút tiền vào OceanBank lại đi kèm những khoản tiền “lại quả” hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cho người có quyền ký duyệt “điều chuyển” hàng nghìn tỷ đồng giao dịch qua ngân hàng của Hà Văn Thắm.

Suốt nhiều năm liền, dòng tiền từ PVN và các đơn vị thành viên vẫn được “điều chuyển” âm thầm, suôn sẻ bất chấp các chỉ đạo cũng như thanh tra gắt gao của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động huy động lãi suất vượt trần, hay chi phí “chăm sóc” khách hàng…

Điều lạ hơn là không có bất kỳ vụ việc “đi đêm” lãi suất tiền gửi nào bị phát hiện, xử lý dù thực tế, Oceanbank hay một số ngân hàng mất cân đối vốn khác đã có vi phạm hoạt động huy động vốn?

Trước toà, cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm nhấn mạnh tình thế huy động vốn khó khăn, mất thanh khoản để bao biện cho hành vi sai phạm nhằm “cứu” ngân hàng. Song chính những “người buôn tiền” lại nương vào tình thế khó khăn để chọn con đường đi “lắt léo” cho dòng tiền, tiền “đẻ” ra tiền và lợi nhuận kếch xù lại chảy vào túi những cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp, công ty sân sau… thay vì làm lợi cho vốn đầu tư của Nhà nước.

Phiên toà ngày 14/9, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho tội Tham ô, chiếm đoạt tài sản và 16-18 năm tù về tội Cố ý làm trái…

Bị cáo Hà Văn Thắm: 19-20 năm tù tội Cố ý làm trái, 18-20 năm tù về vi phạm cho vay, 20 năm tù tội Lạm dụng chức vụ; Chung thân tội tham ô.

Bị cáo Nguyễn Minh Thu: 14-15 năm tù tội Cố ý làm trái, 10-12 năm tội lạm dụng chức vụ. Hình phạt chung: 24-27 năm tù.

Nguyễn Văn Hoàn: 10-12 năm tội vi phạm quy định cho vay, 10-12 năm tù tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn. Hình phạt chung: 20-24 năm tù.

 >> Cựu chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn có “đút túi” 246 tỷ đồng?

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...