Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank mã: EIB) dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên 2018 về kế hoạch kinh doanh trong năm tài chính này.
Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.600 tỷ đồng, Eximbank cũng tự tin đặt nhiều kế hoạch tổng tài sản đạt 178.000 tỷ đồng, tăng 19%; huy động đạt 148.000 tỷ đồng, tăng 26%.
Đây là chỉ tiêu kinh doanh được đánh giá là khá tự tin, khi từ đầu năm đến nay ngân hàng này liên tiếp vướng vào những lùm xùm làm mất tiền tiết kiệm của khách hàng.
Các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu của Eximbank trong năm đều đạt và vượt kế hoạch, đặc biệt lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng gấp 2,5 lần năm 2016 và đạt trên 167% kế hoạch. Tình trạng lỗ lũy kế và cảnh báo giao dịch mà sở giao dịch chứng khoán áp đặt trên cổ phiếu EIB suốt hai năm qua sẽ sớm được gỡ bỏ.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 cho thấy, Eximbank có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến hết năm 2017 hơn 215 tỷ đồng.
Năm 2017, ngân hàng này có lãi ròng đạt gần 823 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2016. Trong đó, riêng quý IV năm 2017 đóng góp hơn một nửa với khoảng 447 tỷ đồng.
Mới đây, ngày 2/4, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có thông báo về việc đưa cổ phiếu Eximbank ra khỏi diện cảnh báo (kể từ ngày 4/4). Theo HOSE, Eximbank đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định (thoát khỏi tình trạng lỗ lũy kế). Tình trạng lỗ lũy kế và cảnh báo giao dịch mà HOSE áp đặt trên cổ phiếu EIB suốt hai năm qua được gỡ bỏ.
Trước đó, cổ phiếu EIB bị đưa vào diện bị cảnh báo từ ngày 8/4/2016 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thời điểm cuối năm 2014 và 2015 đều là số âm và cho đến 31/12/2017 vẫn lỗ lũy kế gần 463 tỷ đồng.
Thời gian qua, Eximbank vướng vào vụ lùm xùm mất 245 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng Chu Thị Bình, tuy chưa có phán quyết của tòa nhưng nếu Eximbank thua kiện, ngân hàng sẽ phải trả cho khách hàng 245 tỷ đồng , có thể chiếm tới 25% lợi nhuận trước thuế.
Vụ việc đang trong quá trình giải quyết thì một khách hàng ở Hà Nội, là bà Bùi Tố Loan, “tố” bị mất 3 lượng vàng khi gửi ở ngân hàng này.
Tiếp đó, một khách hàng của Eximbank chi nhánh Đô Lương, Nghệ An là ông Nguyễn Tiến Nam lại có đơn yêu cầu phải trả lại số tiền 28 tỷ đồng ông gửi tiết kiệm tại ngân hàng đã “không cánh mà bay”, chỉ còn có 195 triệu đồng. Kịch bản cũng quen thuộc, là nhân viên nhà băng lừa đảo, rút ruột chiếm dụng của khách.
Ông Nam là một trong 6 nạn nhân mất tổng cộng 50 tỷ khi gửi tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh Đô Lương.
>> Hậu thôn tính Sacombank, cổ phiếu Eximbank được ra khỏi diện cảnh báo