Đó là nghịch lý về đất nông nghiệp hiện nay. Trong khi nhiều cá nhân và doanh nghiệp đang rất “khát” ruộng đất để triển khai các dự án nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, bằng kỹ thuật, công nghệ cao hoặc đơn giản là có chỗ để mưu sinh bằng việc cấy cày, chăn nuôi mà không có, thì ở nhiều địa phương đang ngày càng có nhiều thửa ruộng, cánh đồng bị bỏ hoang.
Ai bỏ ruộng và vì sao lại bỏ? Tìm hiểu tại một số tỉnh thuộc vùng Nam sông Hồng như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam... có thể tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chi phí lớn, đầu ra bấp bênh, thu nhập thấp dẫn đến việc nông dân chán ruộng, bỏ đồng.
“Nghịch lý người có ruộng đất thì bỏ hoang, người cần ruộng đất thì phải khoanh tay đứng nhìn vẫn cứ tồn tại.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân xuất phát từ những biến chuyển của đời sống tam nông.
Thứ nhất họ là những hộ chỉ có đời bố mẹ, ông bà làm nông, nhưng đến đời con cháu thì thoát ly, nên không còn nhân lực để sản xuất.
Thứ hai là các hộ chuyển qua kinh doanh, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ cho chính cộng đồng làng quê của mình: mở cửa hàng tạp hóa, hàng ăn, quán Internet, cho thuê phông bạt, bàn ghế phục vụ đám cưới, đám ma... và thu nhập chính từ các hoạt động này. Với những thôn làng có nghề truyền thống thực tế này còn rõ hơn.
Thứ ba, những hộ có việc làm ổn định tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài làng quê của mình.
Thứ tư, những hộ có lao động chính gia nhập vào khu vực lao động không chính thức (thợ xây, thợ mộc, tài xế taxi...). Ngoài ra, những năm qua, còn có một lượng lớn lao động ở nông thôn của nhiều địa phương đã rời ruộng đồng đi xuất khẩu lao động.
Với thực tế trên, tưởng như việc tập trung, tích tụ ruộng đất để triển khai các dự án nông nghiệp tập trung sẽ rất thuận lợi. Vậy nhưng, thực tế lại khác.
Điều đầu tiên, ruộng đất, dù ở thời kỳ nào cũng luôn gắn bó máu thịt với nông dân. “Cùng đinh”, “không một tấc đất cắm dùi” từng là nỗi thống khổ của thế hệ cha ông họ. Vậy nên, ngày nay, dù nhiều người không còn gắn bó với ruộng đất, chuyển đổi, sinh sống bằng nhiều công việc, ngành nghề khác, nhưng vẫn tồn tại tâm lý “phải giữ cho bằng được ruộng đất”. Hầu như họ đều có cùng một suy nghĩ, nếu gặp thất bại, rủi ro vẫn còn “đường lùi” về làm ruộng.
Quan trọng hơn, thực tế cho thấy, khi thuê ruộng đất, các cá nhân, doanh nghiệp thường trả cho nông dân mức giá thuê rất thấp. Ngoài giá thuê ruộng không hấp dẫn được người nông dân, việc rất ít người được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc trong các dự án nông nghiệp như đã hứa hẹn, khiến người nông dân càng thêm e dè, không dám rời bỏ ruộng đất.
Trong khi đó, mô hình nông dân liên kết làm ăn với doanh nghiệp bằng việc góp cổ phần bằng ruộng đất ít xuất hiện trong thực tế. Ý tưởng về ngân hàng ruộng đất cũng chưa được bàn thảo thấu đáo cụ thể và trên thực tế cũng chưa thấy xuất hiện. Việc dồn đổi những diện tích đất nông nghiệp giữa các hộ có và không có nhu cầu cho thuê thành những diện tích lớn, tập trung, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên thực tế cũng rất khó khăn, phức tạp, do vậy chính quyền các địa phương thường rất ngại khi đụng phải việc này.
Dễ nhận ra các lý do trên là nguyên nhân chính khiến những dự án nông nghiệp tập trung, quy mô lớn chưa xuất hiện nhiều trong khi rất nhiều diện tích đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang hoặc không được tận dụng, phát huy hiệu quả triệt để. Đáng nói là, tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang hoặc không được tận dụng, phát huy hiệu quả triệt để sẽ không dừng lại như hiện nay. Theo xu thế phát triển, khu vực công nghiệp, dịch vụ sẽ hút ngày càng nhiều hơn lao động của khu vực nông nghiệp; đồng nghĩa với việc ngày càng có thêm nhiều hộ dân được giao ruộng đất, nhưng không còn nhu cầu sử dụng. Nghịch lý người có ruộng đất thì bỏ hoang, người cần ruộng đất thì phải khoanh tay đứng nhìn vẫn cứ tồn tại, nhưng vẫn chưa có giải pháp phù hợp để chấm dứt tình trạng này.