Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV được trình Quốc hội lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 14 vào tháng 10/2016. Đây là một trong những dự thảo Luật được cộng đồng DN hết sức quan tâm và chờ đợi.
Cơ hội tốt để hỗ trợ DN phát triển
Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một luật về hỗ trợ DNNVV. Đây cũng là dự luật đầu tiên được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV. Sau khi được tiếp thu và chỉnh lý, Luật Hỗ trợ DNNVV bao gồm 4 chương và 35 điều và có nhiều điểm mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khối này phát triển. Trước đó, khi đặt lên bàn nghị sự, các đại biểu Quốc hội vẫn rất tích cực đưa ra những ý kiến mang tính xây dựng, hướng đến nhận diện đúng nhu cầu hỗ trợ và lựa chọn giải pháp hỗ trợ thích hợp nhất để phát triển hơn nữa DNNVV hiện đang còn quá nhiều khó khăn.
Có thể nói, thực trạng mà DNNVV hiện nay đang gặp phải đó là vấn đề thiếu vốn, thiếu công nghệ; thiếu nguồn nhân lực, thiếu mặt bằng sản xuất, và quan trọng nhất là thiếu thị trường. Trong nghị trường Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận trên tinh thần “bắt mạch” và “chẩn đoán” được nguyên nhân sâu xa của những khó khăn này với một góc nhìn rộng hơn trong mối tương quan với doanh nghiệp có quy mô lớn.
“Điều mà DN quan tâm là sau khi Luật ra đời, đồng hành cùng với đó là các văn bản hướng dẫn phải có ngay để đưa Luật vào cuộc sống nhanh hơn.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, một mặt, các DNNVV phải nhận được sự hỗ trợ thiết thực, điều mà khi đã trở thành DN lớn rồi họ có thể tự mình lo liệu được. Mặt khác các giải pháp phải tuân thủ nguyên tắc hỗ trợ rất căn bản mà dự thảo Luật đưa ra là “Hỗ trợ theo nguyên tắc thị trường”, các thủ tục hỗ trợ DNNVV cần cụ thể, công khai và minh bạch. Theo đó, các ý kiến xoay quanh vấn đề như quy định rõ những nội dung hỗ trợ, vấn đề nguồn vốn, thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế, trách nhiệm của các tổ chức… là những ý kiến được các đại biểu chia sẻ về dự thảo Luật này nhiều hơn cả.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An có ý kiến rằng: Cần quy định rõ những nội dung hỗ trợ “Luật hỗ trợ DNNVV sẽ được áp dụng đối với từng đối tượng, từng ngành nghề và phù hợp với từng giai đoạn để DN có cơ hội, tiếp cận phát triển. Tiếp đến là những chính sách về thuế, DN trong quá trình chuyển đổi, trong quá trình thành lập, phát triển đều cần được điều tiết hỗ trợ về thuế. Luật hỗ trợ DNNVV là cơ hội rất tốt để hỗ trợ DN có điều kiện phát triển.
Bên cạnh đó, chúng tôi quan tâm đến việc hỗ trợ mặt bằng sản xuất của DN. Trong Luật quy định, tùy theo quỹ đất của từng địa phương, UBND tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho DN. Do đó, chúng ta cần quy định rõ làm thế nào để phù hợp với DN siêu nhỏ, DNNVV và cần phù hợp với từng lĩnh vực, từng ngành…
Cần giải pháp đồng bộ cùng với Luật
Vấn đề đặt ra là sau khi Quốc hội đã thông qua, Luật sẽ đi vào cuộc sống với một lộ trình như thế nào cho hiệu quả? Khi mà, bên ngoài nghị trường, trước đó, đã từng có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV có rất nhiều quy định, điều khoản chỉ mang tính chung chung nên nếu muốn luật này đi vào cuộc sống thì phải sửa hàng loạt luật khác. Và để đảm bảo tính nhất quán trong hệ thống pháp luật và các quy định là một yêu cầu vô cùng quan trọng, bởi đây là một luật riêng biệt có sự “giao thoa” với rất nhiều luật khác, ít nhất trong dự thảo này là với Luật Thuế TNDN, Luật kế toán, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh về vấn đề quan trọng của việc kiện toàn đồng bộ các khung văn bản pháp lý để luật sớm đi vào cuộc sống. Ông cho rằng: "Khi chúng ta điều chỉnh bằng Luật, tức là đã Luật hóa những phương pháp hỗ trợ thì tất cả các DN sẽ thỏa mãn được điều kiện hỗ trợ ngang bằng nhau và được xem xét như nhau ở toàn quốc và các địa phương.
Tuy nhiên, điều mà chúng tôi quan tâm là sau khi Luật ra đời, đồng hành cùng với đó là các văn bản hướng dẫn phải có ngay để đưa Luật vào cuộc sống nhanh hơn”. Đại biểu cũng nhấn mạnh thêm: Cơ quan triển khai thực hiện phải công tâm, công khai, minh bạch những thủ tục hỗ trợ khi DN đáp ứng được điều kiện thì cần có nguồn lực hỗ trợ ngay; đối với những DN nào không đáp ứng được điều kiện cũng phải giải thích và công bố một cách rõ ràng. Nếu chúng ta không công tâm, công khai thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, gây ra những bức xúc cho DN, tạo ra môi trường đầu tư không thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN”.
Có thể nói rằng, dự án Luật này với những chính sách rất gần với DN, với nhà đầu tư và phù hợp với thông lệ quốc tế về hỗ trợ DNNVV trong nền kinh tế; đồng thời, đảm bảo môi trường thuận lợi hơn cho các DNNVV phát triển. Tuy nhiên, để Luật này khả thi và thiết thực vẫn cần thiết có những quy định cụ thể hơn, đồng bộ hơn và minh bạch hơn. Đặc biệt, thực tế hiện nay, các văn bản pháp lý về hỗ trợ các doanh nghiệp đều là văn bản dưới luật, không đủ cơ sở để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp một cách đồng bộ, có hiệu quả.
Vì vậy, việc hỗ trợ DNNVV cần có những giải pháp đồng bộ đối với tất cả những nội dung cần thiết để đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động công bằng, có hiệu quả, làm nền tảng cho sự phát triển đất nước. Từ đó, kiện toàn một bộ Luật có giá trị, thực sự trở thành chiếc “phao cứu sinh” cho Doanh nghiệp NNVV trong khó khăn, để doanh nghiệp có điều kiện được sáng tạo hơn, phát triển lớn mạnh hơn.
Ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, đại biểu quốc hội đoàn Thái Bình:
Chúng tôi đang rất hy vọng vào Luật này
Việc dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao là niềm vui của giới DNNVV. Khi dự thảo luật này thông qua đã tạo khuôn khổ pháp lý chắc chắn cho hoạt động của DNNVV và trên cơ sở hành lang pháp lý đó, DNNVV sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Chúng tôi đang rất hy vọng vào Luật này.
Dự thảo Luật có nhiều điểm tác động mạnh mẽ đến hiệu quả hoạt động của DNNVV. Đơn cử, về vốn, dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV quy định có 3 loại quỹ hỗ trợ DN là Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Trong đó 2 quỹ đã được thành lập và đi vào hoạt động là Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV và 1 quỹ mới là Quỹ khởi nghiệp sáng tạo. Với các DNNVV, vốn là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Do đó, sau khi Luật ra đời, hoạt động của các quỹ này sẽ hiệu quả hơn. Mặt khác, dù hiện nay ngân hàng cũng có những nguồn vốn hỗ trợ DNNVV nhưng các quỹ hỗ trợ DNNVV sẽ có các chính sách cụ thể và thông thoáng hơn nên DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Sau khi dự thảo được thông qua và có hiệu lực trong thời gian tới, trên cơ sở hệ thống quy phạm pháp luật, Hiệp hội DNNVV đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Thứ nhất là đưa hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang DN. Thứ hai là chú trọng phát triển DN khởi nghiệp. Thứ ba là tăng liên kết giữa các DN với nhau, tức là liên kết các DNNVV với các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài để tạo thành chuỗi liên kết tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Một số các hỗ trợ khác đã được nêu ở các văn bản pháp luật trước đây cũng được thể chế trong luật là hỗ trợ DNNVV về thuế, đất đai, tiếp cận thông tin…
Hiện Thủ tướng Chính phủ cũng giao trực tiếp cho Hiệp hội DNNVV xây dựng Đề án hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển sang DN với mục tiêu có ít nhất 1 triệu DN vào năm 2020. Để thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng giao, Hiệp hội DNNVV chủ trương thực hiện thí điểm ở một tỉnh với cách làm thận trọng nhưng phải hỗ trợ thiết thực để DN thực sự cảm thấy cần thiết phải chuyển đổi, rằng họ có lợi gì từ việc “lên” DN để phát triển”.
Gần đây nhất, chúng tôi đã xây dựng xong Đề án chuyển hộ kinh doanh cá thể sang DN. Việc này dù rất khó nhưng chúng tôi vẫn đang nỗ lực tuyên truyền vận động, có cách thức để hộ kinh doanh thấy được ý nghĩa của việc chuyển sang DN, tham gia vào hiệp hội DNNVV. Sau khi Luật hỗ trợ DNNVV được thông qua, chúng tôi hy vọng rằng việc chuyển đổi này sẽ diễn ra nhanh hơn. Đây là điều rất mừng.
Doanh nhân Ông Nguyễn Tuấn Khởi – Giám đốc Cty Nhân ái Vòng tay Việt:
Hỗ trợ mạnh mẽ hơn dòng vốn cho các doanh nghiệp
Việt Nam có trên 500.000 DNNVV chiếm gần 97% số lượn doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, việc thông qua Luật DNNVV sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng khổng lồ này. Đi kèm với luật phải là hàng loạt biện pháp hành động quyết liệt nhằm tạo ra 1 sân chơi chung, đoàn kết kiểu "bó đũa" bởi như chúng ta đã biết, DNNVV dù chiếm số lượng lớn nhưng tổng số vốn và thành quả chung đóng góp vào nền kinh tế là còn thấp. Là 1 trong những DNNVV, VTVCorp.vn cảm nhận được mình có được sự quan tâm và có động lực phát triển nhiều hơn.
Thực tiễn Luật đi vào cuộc sống, chúng tôi mong muốn có các chương trình đào tạo và tập huấn miễn phí cho các DNNVV. Các doanh nghiệp cần được tiếp cận tốt hơn với các hội chợ, hội thảo, giới thiệu sản phẩm quốc tế. Song song với việc tiếp cận công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cần được đặc biệt quan tâm. Tôi tin rằng các DNNVV sẽ được hưởng lợi ích lớn nhất từ luật DN nhỏ và vừa, để các doanh nghiệp nhóm này mạnh lên. Hơn nữa từ đó tạo động lực cho việc ra đời các DNNVV mới, tạo động lực cho những người trẻ khởi nghiệp.
Điều lớn nhất mà tôi kì vọng, Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời thì sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp có một công cụ hỗ trợ, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, để hội nhập, doanh nghiệp ngày càng phát triển, đối với những doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt mà chưa khởi nghiệp thì dự luật ra đời sẽ tạo động lực để phát triển khả năng cạnh tranh sẽ mạnh hơn, từ đó sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng tốt hơn.
Đặc biệt, chúng tôi mong muốn sau khi luật có hiệu lực, quỹ hỗ trợ DNNVV được lập sẽ hướng đến hỗ trợ mạnh mẽ hơn dòng vốn cho các doanh nghiệp. Từ đó, tạo nên một "sàn thông tin" huy tụ được tất cả dữ liệu của các DNNVV hiện đang hoạt động tại VN, phân loại ngành nghề và tiến đến kết nối, hỗ trợ. Và khi đã có một cánh cửa thông thoáng về Luật thì cần phải phát huy tốt hơn nữa vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp đặc biệt là ở các địa phương…
Bảo Minh