Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, mức giảm dự kiến được đề xuất vào khoảng 10% và áp dụng trong vòng 3 tháng căn cứ trên những tính toán về thông số sản xuất đầu vào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đề xuất này sẽ chính thức được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ hôm nay (1/4).
Tuy nhiên, các đối tượng tiêu thụ điện từ bậc 1 đến bậc 4 mới thuộc diện được đề xuất miễn giảm. Hộ tiêu dùng từ 300 kWh trở lên vẫn giữ nguyên vì đây là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, tổng số tiền ước tính hỗ trợ cho các khách hàng sinh hoạt trong các bậc này là 2.930 tỷ đồng.
Ngoài đề xuất giảm 10% tiền điện sinh hoạt, Bộ Công Thương cũng trình Chính phủ giảm giá điện sản xuất, kinh doanh 10% từ tháng 4 đến tháng 6/2020; miễn, giảm giá điện cho các cơ sở phòng dịch. Các cơ sở lưu trú khách sạn cũng được giảm về bằng với giá điện sản xuất từ tháng 4.
Ước tổng số tiền hỗ trợ các cơ sở lưu trú, du lịch từ tháng 4/2020 là 1.840 tỷ đồng. Với các cơ sở trực tiếp tham gia chống dịch EVN sẽ hỗ trợ tiền điện từ tháng 4 đến tháng 6 với khoảng 100 tỷ đồng.
Cùng đó, EVN sẽ giảm 20% giá bán điện cho các cơ sở có hoạt động xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 và giảm 20% giá bán điện cho các khách sạn được sử dụng làm cơ sở cách ly.
Tổng số tiền hỗ trợ các khách hàng sử dụng điện theo phương án Bộ Công Thương đề xuất lên tới 10.974 tỷ đồng.
Bộ Công Thương cũng cho biết, theo đề xuất của Bộ KH&ĐT trước đó là bỏ quy định về khung giờ cao điểm bán điện (từ 9h30 đến 11h30), thu hẹp thang biểu giá điện, và giảm 50% giá điện từ tháng 3 đến tháng 10/2020. Đồng thời, áp dụng giá điện của các cơ sở kinh doanh lưu trú, du lịch bằng mức giá điện của các cơ sở kinh doanh khác.
Tuy nhiên, theo phương án này, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 19.975 tỷ đồng, doanh thu của EVN sẽ giảm rất mạnh.
Trước đó, EVN cũng đề xuất giảm giá điện cho một số đối tượng khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của Covid-19.