Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian qua, điện mặt trời áp mái bùng nổ với tổng công suất lưới lên mức 200MW.
Nguyên nhân là sau khi được gỡ vướng về cơ chế tài chính, Bộ Công thương bãi bỏ quy định bù trừ sản lượng, áp dụng cơ chế 2 chiều; trong đó, quy định nhà đầu tư có quyền đầu tư điện từ lưới điện và bán lại toàn bộ lượng sản xuất được cho EVN.
Trước 30/6, giá 9,35 cent/kWh được tính chung cho cả điện mặt trời áp mái và lắp đặt tại các trang trại, nhà máy. Bộ Công thương đang trình Chính phủ để đưa ra mức giá cho điện mặt trời áp mái với dự kiến giữ mức như hiện tại đến hết năm 2021.
Lý do đề xuất áp dụng một giá 9,35 cent cho các dự án điện mặt trời mái nhà trong 3 năm tới, cơ quan này cho rằng, các dự án đầu tư hình thức này mất ít thời gian thi công, không cần phát triển hệ thống truyền tải, tiết kiệm đất. 3 năm qua, đã có 4.000 khách hàng lắp điện mặt trời áp mái, tổng công suất 45 MW.
EVN kỳ vọng công suất điện mặt trời áp mái trên cả nước sẽ đạt 500 MW đến hết 31/12 và đạt 2.000 MW đến hết 2021. Cơ cấu nguồn điện của Việt Nam hết năm 2018 là 49.000 MW, điện mặt trời áp mái mới chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong cơ cấu nguồn điện. Trong khi nhiều địa phương tại Việt Nam có tiềm năng trong lĩnh vực này.
Đơn cử, TP Hồ Chí Minh ước tính có thể lắp đặt điện mặt trời áp mái với công suất khoảng 6.000 MW, ở Đà Nẵng là 1.000 MW....
Theo EVN, chi phí cho truyền tải, phân phối chiếm 30% trong cơ cấu giá thành điện. Vì vậy, điện mặt trời áp mái sản xuất và sử dụng tại chỗ sẽ giảm được chi phí truyền tải, tăng hiệu suất sử dụng.
Tính đến hết tháng 7/2019, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã mua lại hơn 7,5 triệu kWh từ điện mặt trời áp mái của khách hàng. Cụ thể, có 4.817 khách hàng đã được EVNSPC lắp đặt công tơ 2 chiều, bao gồm 2.840 công tơ 1 pha và 1.977 công tơ 3 pha. Tổng công suất điện mặt trời áp mái của khách hàng đạt 109.229 kWp, vượt 113% kế hoạch mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao EVNSPC (95.000 kWp). |