ĐHCĐ thường niên 2020: SHB chuyển niêm yết sang HoSE, mục tiêu lợi nhuận 3.268 tỷ đồng

Ngày 15/6, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, theo đó, sẽ chuyển sàn niêm yết sang HoSE, đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.268 tỷ đồng, Top 03 ngân hàng cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam.
ĐHCĐ thường niên 2020: SHB chuyển niêm yết sang HoSE, mục tiêu lợi nhuận 3.268 tỷ đồng

Tại đại hội, ông Nguyễn Văn Lê – Tổng Giám đốc SHB đã báo cáo với các cổ đông về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, đến cuối năm 2019, tổng tài sản đạt 365 nghìn tỷ đồng, tăng 13%; vốn huy động thị trường 1 đạt 289 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5%; dư nợ cấp tín dụng đạt 266 nghìn tỷ đồng, tăng 15%. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế đạt 3.026 tỷ đồng, tăng trưởng gần 45% so với năm 2018.

Trong năm 2019, SHB đã trích lập 4.232 tỷ đồng dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC và thực hiện tất toán trước hạn toàn bộ 5.773 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC đã được NHNN gia hạn đến 2024. Nhờ đó, SHB đã đủ điều kiện được chia cổ tức và hoàn thành việc chia cổ tức năm 2017 và 2018 cho cổ đông. 

Trong năm 2019, SHB đã tích cực xử lý/thu hồi bằng tiền 2.708 tỷ đồng các khoản nợ xấu cho vay khách hàng (không bao gồm thu hồi các khoản nợ đã bán cho VAMC). Tỷ lệ nợ xấu cho vay khách hàng trên tổng dư nợ giảm còn 1,9%.

Ông Nguyễn Văn Lê – Tổng Giám đốc SHB báo cáo tại ĐHCĐ thường niên 2020.
Ông Nguyễn Văn Lê – Tổng Giám đốc SHB báo cáo tại ĐHCĐ thường niên 2020.

Với việc phát hành 550 triệu cổ phiếu chia cổ tức và chào bán cho cổ đông hiện hữu, SHB cũng đã hoàn thành mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng. Qua đó, SHB đã đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 41/2017/TT-NHNN và cơ bản hoàn tất đầy đủ các trụ cột của Basel II. Bên cạnh đó, SHB kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động, đưa tỷ lệ chi phí hoạt động so với tổng thu nhập thuần hoạt động  xuống 39,66%, thấp nhất trong 5 năm qua.

Tại Đại hội, các cổ đông đã biểu quyết thông qua phương án và kế hoạch của HĐQT SHB về việc tăng vốn điều lệ lên 19.314 tỷ đồng trong năm 2020, tương đương tăng thêm 1.756 tỷ đồng từ việc phân phối cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Việc tăng vốn điều lệ nhằm mục tiêu nâng cao tiềm lực tài chính mở rộng quy mô cho vay, đầu tư vào công nghệ thông tin, thuê các Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tư vấn và phản biện, sẵn sàng cho hành trình chuyển đổi số và trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng với các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại theo chuẩn 4.0.

Chia sẻ với cổ đông, ông Đỗ Quang Hiển khẳng định sau khi hoàn tất tăng vốn trong thời gian qua, thì ngân hàng tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng vốn nghìn tỉ ngay trong năm nay. "Bản thân tôi là nhà quản trị, cũng là một cổ đông nên tôi cũng muốn tiếp tục tăng vốn và phải tăng vốn nữa. Tăng vốn là tăng sức khỏe, tăng tính bền vững cho ngân hàng", ông Hiển nói.

Ngoài ra, ĐHCĐ cũng thông qua phương án chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu SHB từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Kể từ khi niêm yết trên HNX đến nay, cổ phiếu SHB luôn nằm trong nhóm những cổ phiếu có giá trị vốn hóa và tính thanh khoản cao, thông tin minh bạch và ảnh hưởng tích cực đến diễn biến của thị trường. Việc chuyển sàn được xem là bước đi chiến lược và chủ động nhằm thực hiện chủ trương của Thủ tướng về tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam đồng thời đẩy mạnh hình ảnh của SHB tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là các tổ chức kinh tế lớn có uy tín, nâng cao vị thế của SHB trên thị trường chứng khoán.

Các cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch thoái vốn của SHB tại công ty tài chính SHBFC cho nhà đầu tư chiến lược lớn nước ngoài, tạo nguồn thặng dư vốn đáng kể, đồng thời nâng cao uy tín, hình ảnh của SHB trên thị trường tài chính tiền tệ trong và ngoài nước. Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng sẽ trở thành cầu nối để SHB mở rộng các hoạt động khác của ngân hàng ra thị trường quốc tế. Với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, SHBFC sẽ nâng cao năng lực quản trị, điều hành với việc tham gia trực tiếp của đối tác nước ngoài có kinh nghiệm tại các thị trường phát triển; được tiếp cận và được tư vấn về áp dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại từ đối tác; tạo sự khác biệt trong mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ đã triển khai thành công tại các thị trường phát triển; có điều kiện tiếp cận và triển khai các công nghệ quản trị rủi ro, thu hồi nợ tiên tiến…

Năm 2020 là năm SHB sẽ chuyển đổi mạnh mẽ từ chiến lược, mô hình kinh doanh tổ chức bộ máy, quản trị rủi ro, hiện đại hóa ngân hàng. Hội đồng quản trị SHB đã làm việc với các nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới thống nhất thành lập ba ban dự án chiến lược do Chủ tịch HĐQT trực tiếp chỉ đạo nhằm xây dựng chiến lược phát triển bền vững và khác biệt tầm nhìn dài hạn, chiến lược hiện đại hóa ngân hàng hướng tới ngân hàng số và tái cấu trúc quản trị và quản lý điều hành.

Mục tiêu chiến lược của SHB đến năm 2025 là trở thành 1 trong 3 Ngân hàng TMCP tư nhân bán lẻ hiện đại lớn nhất Việt Nam, trở thành ngân hàng đứng đầu về chuyển đổi Ngân hàng số với các tỷ lệ tài chính tiệm cận các chuẩn mực quốc tế bao gồm Basel III và các tổ chức xếp hạng có uy tín.

Đồng thời, SHB tập trung khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh khác biệt của mình từ quy mô hệ thống tệp KHDN lớn sẵn có và hệ sinh thái của KHDN lớn là các KHDN nhỏ và vừa, KHCN... bằng các sản phẩm theo chuỗi trên nền tảng công nghệ mới.

Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển cam kết: "SHB sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt các mục tiêu Đại hội đồng cổ đông đề ra, khẳng định vị thế, uy tín trong nước và quốc tế, vì lợi ích của các cổ đông cũng như thương hiệu SHB trên thị trường tài chính – tiền tệ".

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...