ĐHCĐ VPbank: Tăng vốn thêm 2.600 tỷ đồng, nới room ngoại lên 30%

Đại hội cổ đông thường niên 2019 của VPBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên 27.899 tỷ đồng, không chia cổ tức, xin nới room ngoại lên 30%... Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 9.500 tỷ đ
ĐHCĐ VPbank: Tăng vốn thêm 2.600 tỷ đồng, nới room ngoại lên 30%

Đại hội cổ đông VPbank ngày 26/4/2019

Lợi nhuận 2019 chỉ tăng 3%

Sau 3 năm tăng trưởng tín dụng cao và lợi nhuận đột biến, đến năm 2019, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) chỉ trình kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn. Theo tờ trình, mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 9.500 tỷ đồng, chỉ tăng 3% so với năm trước. Nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường hơn 800 tỷ đồng từ bảo hiểm AIA thì lợi nhuận vẫn tăng trưởng 14% so với năm 2018.

Cổ đông cho rằng, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay chỉ 3%, thấp hơn rất nhiều so với nhiều nhà băng khác?

Lãnh đạo VPBank giải thích, HĐQT và Ban điều hành VPBank xây dựng kế hoạch năm 2019 trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành xuống 14-15%.

Hơn nữa, VPBank xác định năm nay sẽ đẩy mạnh tăng trưởng chất lượng chứ không phải quy mô.

Cũng trong năm nay, VPBank đặt kế hoạch xử lý dứt điểm nợ bán cho VAMC, hiện vẫn còn khoảng 3.100 tỷ đồng. Để xử lý khoản này thì ngân hàng sẽ phải trích lập và từ đó tác động đến lợi nhuận.

Lãnh đạo VPBank cho biết ngân hàng đã chính thức được áp dụng tiêu chuẩn Basel II, theo đó, nhiều khả năng VPBank cũng sẽ được tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Do đó, kế hoạch lợi nhuận là khả quan.

Một nội dung được nhiều cổ đông quan tâm là VPbank trình phương án không chia cổ tức của năm 2018, sau 3 năm duy trì chính sách cổ tức cao bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 25.299 tỷ đồng.

Theo đó, sau khi trích lập các quỹ, tổng lợi nhuận chưa phân phối của VPBank còn 3.431 tỷ đồng sẽ được giữ lại và cũng không chia các quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ…

Cổ đông bày tỏ mong muốn ngân hàng tiếp tục chia cổ tức và qua đó ngân hàng cũng tăng vốn như dự kiến. Song lãnh đạo VPbank giải thích, việc tăng vốn điều lệ hay không hiện không quan trọng với ngân hàng mà nguồn vốn chủ sở hữu tăng mới ý nghĩa.

“Khi chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ làm pha loãng giá trị cổ phiếu trên sàn. Nhất là thời gian quan giá cổ phiếu VPB đã bị giảm rất mạnh, chỉ số P/E giảm xuống thấp chỉ 6%... Việc phát hành thêm lúc này thực sự không có lợi cho cổ đông. Do đó, HĐQT kiến nghị ĐHCĐ năm nay tạm thời không chia cổ tức bằng cổ phiếu nữa”, lãnh đạo VPbank nhấn mạnh.

Nới room ngoại lên 30%

Đại hội cổ đông cũng thông qua kế hoạch phát hành tối đa 260 triệu cổ phần, tương đương khoảng 2.600 tỷ đồng. Số lượng phát hành cụ thể sẽ được tính toán chi tiết tại thời điểm phát hành để tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài/vốn điều lệ VPBank lên mức tối đa 30% (hiện tại đang khóa ở mức 22,532%).

Bên cạnh đó, VPBank trình đại hội thông qua kế hoạch bán cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên với khối lượng dự kiến là 31 triệu cổ phiếu. Đây là một phần trong số hơn 73 triệu cổ phiếu quỹ mà ngân hàng đã mua trong năm 2018.

Chia sẻ về kế hoạch nới “room ngoại 30%” ông Ngô Chí Dũng chủ tịch HĐQT VPbank cho biết, “sở hữu nước ngoài là cơ hội để tăng vốn ngân hàng nên phải giữ lại cơ hội đấy chờ đến khi thị trường thuận lợi hơn với tính tới phát hành. Năm nay, chúng tôi cũng xin ý kiến cổ đông để phát hành cổ phiếu tăng vốn, tạo thặng dư vốn lớn và chính là giá trị đem lại cho cổ đông”.

>> Tín dụng tăng cao 6,8%, VPBank lãi trước thuế 1.700 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...