Trước đó, như Báo Thanh niên đã đưa tin, có những dấu hiệu bất thường gây lãng phí trong việc mua sắm biển báo an toàn điện tại NPC.
Cụ thể, tháng 11/2015, Tổng giám đốc NPC ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm trang thiết bị biển báo an toàn phục vụ quản lý vận hành và phòng tránh tai nạn lao động. Theo đó, 5 loại biển báo an toàn điện được phân chia thành 5 gói thầu, với tổng giá trị dự toán mua sắm năm 2016 là hơn 52 tỷ đồng. Gói thầu số 1 mua sắm biển báo: “Cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người”, có dự toán giá trị lớn nhất, hơn 31 tỷ đồng.
Ngày 13/4/2016, NPC đã có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà thầu gói 1 với đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Mai có mức giá hơn 31 tỉ đồng.
Hợp đồng thỏa thuận khung giữa NPC với Tập đoàn Hoàng Mai số lượng biển là hơn 155.000 biển báo, đơn giá 181.600 đồng/chiếc (chưa bao gồm VAT) đã được ký kết sau đó.
Văn bản thỏa thuận khung này cũng là cơ sở để nhà cung cấp ký hợp đồng với từng công ty điện lực thuộc NPC với đơn giá, điều khoản hợp đồng như quy định trong thỏa thuận. Số lượng biển cho từng công ty điện lực cụ thể sẽ thực hiện theo hợp đồng kinh tế mà nhà cung cấp ký trực tiếp với từng công ty điện lực.
Tiếp đó, NPC có văn bản yêu cầu các đơn vị thành viên phải ký hợp đồng với nhà cung cấp trong tháng 7/2016.
"Được biết, toàn bộ giá trị mua sắm biển báo sẽ được hạch toán trực tiếp vào chi phí giá thành tiền điện của NPC năm 2016.
Đáng chú ý theo Báo Thanh niên, Tổng giám đốc NPC cũng có Văn bản số 3434 ngày 23/8 nhắc nhở các đơn vị thành viên phải ký hợp đồng kinh tế với nhà cung cấp và báo cáo về công ty mẹ.
“Đơn vị nào không thực hiện đúng khối lượng được phân bổ, nhà cung cấp khiếu kiện gây ảnh hưởng đến uy tín của tổng công ty thì giám đốc đơn vị đó hoàn toàn chịu trách nhiệm trước tổng giám đốc”, “Tổng công ty sẽ xem xét việc tuân thủ của các đơn vị trong chỉ tiêu chấm điểm thi đua và điểm chấm người quản lý trong tối ưu hóa chi phí cuối năm”, văn bản nêu rõ.
Loại biển báo “Cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người” được làm bằng chất liệu thép tấm, kích thước 240 x 360 mm có đục lỗ để đeo đai gắn vào cột. Trong khi quy định tại Thông tư 31/2014 của Bộ Công thương ban hành ngày 2/10/2014 về an toàn điện nêu rõ loại biển này có thể được sơn trực tiếp hoặc lắp đặt biển rời vào các cột điện thuộc diện cảnh báo.
Được biết trước đây, nhiều đơn vị thành viên NPC đã áp dụng sơn cảnh báo trực tiếp lên các cột điện thì mức chi phí chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/biển. Một số đơn vị thành viên của NPC đã áp dụng loại biển báo dán đề can chất lượng cao, rồi dùng keo siêu bền dán lên vị trí cột điện thì mức chi phí chỉ dưới 20.000 đồng/biển.
Như vậy, thay vì bỏ ra hơn 31 tỷ đồng để mua sắm biển báo thì có thể thể hiện nội dung các biển báo đúng quy định với chi phí từ 1 đến 3 tỷ đồng như các phương pháp như nói ở trên.
Theo Đầu tư