Doanh nghiệp "gợi ý" cơ quan quản lý cách "quản" xăng dầu

Sáng 13/10, Công ty TNHH MTV Bội Ngọc ở Trà Vinh quyết định đóng 5/6 cửa hàng, ngừng bán xăng, dầu... vì "mức chiết khấu quá thấp càng bán doanh nghiệp càng lỗ"...

Trao đổi thêm với Phóng viên Thương Gia, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, có địa chỉ tại thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cho biết: Công ty vừa quyết định đóng cửa ngừng bán 5/6 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong hệ thống của mình vì "chiết khấu có 200đ/lít nên bán sẽ lỗ vốn". Hiện doanh nghiệp chỉ duy trì một cửa hàng để thực hiện nghĩa vụ của những hợp đồng đã ký với các đơn vị vận tải trên địa bàn như taxi, chuyển phát nhanh...

Ông Giang Chấn Tây cho biết thêm: "Khi hệ thống của công ty ngừng bán, lực lượng Quản lý thị trường có xuống kiểm tra, nhưng tôi nói càng bán, càng lỗ không duy trì được. Do đó quyết định ngừng bán và cho cán bộ, công nhân viên đi du lịch để ghỉ ngơi".

Công ty TNHH MTV Bội Ngọc đóng cửa ngừng bán xăng và cho nhân viên đi du lịch
Công ty TNHH MTV Bội Ngọc đóng cửa ngừng bán xăng và cho nhân viên đi du lịch

Trước đó, chia sẻ với Thương gia về cách điều hành của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đối với thị trường xăng, dầu, ông Tây cho rằng: "Hiện nay thị trường xăng, dầu đang được điều hành chưa đúng nên mới dẫn đến bất ổn".

"Theo cơ chế điều hành như hiện nay thì người đi chợ là doanh nghiệp, còn người quyết định giá mua và chi phí mua là người ở nhà (là quyết định của liên bộ Tài chính - Công Thương) dẫn đến việc tính giá cơ sở xa rời thực tế hoạt động của doanh nghiệp, nên càng bán họ càng lỗ", ông Tây nói.

Ông Tây đưa ra ví dụ: "Hãy hình dung thế này: Doanh nghiệp mua xăng về bán. Giá mua là 15.000đ/lít mà "chỉ được phép bán" với giá có 14.000đ/lít thì có bán cũng chỉ cố được một vài hôm là muốn nghỉ. Dù có bị phạt thì doanh nghiệp cũng tìm mọi cách để nghỉ bán. Vì phạt thì có mức mà bán thì sợ cụt vốn. Khi cơ quan quản lý điều chỉnh cho bán giá 16.000/lít, thì khi đó doanh nghiệp có đang mua xăng về bán cũng sẽ tìm cách "để đâu đó ngoài rào" để chờ được bán giá cao chứ không dại gì đem vào bán lỗ".

Tương tự vậy, các tàu dầu đã làm thủ tục xong, xuất bến bên nước bạn. Nhưng về tới phao 0 số ở ngoài hải phận neo đậu nơi nào đó chờ lên giá chứ cũng không dại gì vào địa phận Việt Nam neo đậu, để bị quy tội găm hàng hay phải chạy nhanh về để bán lỗ. Bởi vậy mà khi điều chỉnh giá xong là mấy tiếng đồng hồ sau lại có hàng...

Hiện nay thị trường xăng, dầu đang được điều hành chưa đúng nên mới dẫn đến bất ổn
Hiện nay thị trường xăng, dầu đang được điều hành chưa đúng nên mới dẫn đến bất ổn

Từ thực tế trên, ông Tây cho rằng để xảy ra tình trạng như thời gian qua lỗi là do cách tính giá cơ sở không đúng quy luật giá thị trường. Doanh nghiệp không có lời thì thị trường bị ngưng cung cấp hàng là tất yếu. "Nói thẳng là doanh nghiệp của tôi bán mà chiết khấu bằng 0đ thì dù cho có hàng dồi dào tôi cũng không mở cửa bán nữa".

"Ngược lại, nếu bán có lời thì khỏi cần chỉ đạo hay yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối nhập hàng về, họ cũng tự nhập về để bán. Chúng ta cùng nhìn qua mặt hàng thuốc lá ngoại sẽ hiểu rõ".

Ông Tây phân tích thêm: Cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay lửng lơ, không được áp dụng theo một luật nào cả. Đúng ra, các cơ quan phải để cho doanh nghiệp tự tính giá cơ sở theo Luật Doanh nghiệp, tự quyết định giá mua, sau đó báo cáo đến Bộ Tài chính theo Luật Quản lý thuế và Luật Kế toán. Bộ Tài chính chỉ có việc là kiểm tra xem anh đi chợ có mua đúng giá hay không và chi phí anh dùng để mua hàng có hợp lý không theo Luật Kiểm toán. Như thế mới đúng là quản lý vĩ mô.

Chính vì vậy, ông Tây nêu quan điểm, các cơ quan cần chỉ đạo chính xác, chứ không nên nói các ngành chức năng cần tăng cường ổn định nguồn cung chung chung và cứ mãi chỉ đạo và đỗ lỗi cho Bộ Công Thương. Hiện, mọi mũi dùi đang chĩa về Bộ Công Thương là không giải quyết được mấu chốt của vấn đề.

Từ những phân tích trên, ông Tây kiến nghị nên đưa về cho Bộ Công Thương quản lý, điều hành toàn bộ thị trường xăng dầu. Từ giá cơ sở đến quyết định lượng hàng nhập. Còn Bộ Tài chính chỉ việc kiểm tra về mặt tài chính và có hình thức xử phạt những hành vi sai trái theo quy định!

Tại tại cuộc Họp báo thường kỳ chiều ngày 12/10 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận: vừa qua xảy ra sự việc các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng bán xăng dầu trên cả nước, số lượng chính xác cần phải thống kê lại, nhưng dù là bao nhiêu, đó cũng là trách nhiệm của Bộ Công Thương (là đầu mối) và các bộ, ngành khác có liên quan.

Xem thêm

Thêm 13 doanh nghiệp xăng dầu "đòi" nghỉ bán

Thêm 13 doanh nghiệp xăng dầu "đòi" nghỉ bán

Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết,13 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã có văn bản báo cáo về kinh doanh xăng dầu thua lỗ, nếu sau ngày 25/11 vẫn không có những thay đổi phù hợp thì cả 13 doanh nghiệp này đều đóng cửa.

Có thể bạn quan tâm