Doanh nhân và mạng xã hội

Năm 1943, Abraham Maslow, nhà nghiên cứu tâm lý học, con út của một gia đình Do thái tại Mỹ đã đề xuất ra mô hình Tháp nhu cầu của con người...
Doanh nhân và mạng xã hội

 Hình tháp này được cả xã hội loài người chấp nhận cho đến 60 năm sau, một cậu bé Do thái khác phát minh ra một thứ xoá tan mọi thành quả của Maslow. Tất nhiên, đây chỉ là một cách nói vui. Không khó để đoán cậu bé đó chính là Mark Zukerburg với mạng xã hội Facebook lừng danh. 

Facebook không phải là mạng xã hội đầu tiên của nhân loại, nhưng nó đã xoá tan đi khoảng cách giữa hàng tỷ con người, không chỉ về mặt địa lý mà còn về địa vị xã hội cũng như tư cách đạo đức cùng những năng lực không giới hạn, đặc biệt là người Việt Nam, vốn có nhiều xuất phát điểm không cao so với các nước phát triển. 

"Nếu bạn chưa biết, tháp Maslow đề xuất phân chia nhu cầu của con người thành 5 tầng, từ thấp đến cao thể hiện: từ nhu cầu cơ bản như cơm ăn áo mặc nơi ăn chốn ở mái ấm gia đình cho tới nhu cầu được kính trọng quý mến cũng như nhu cầu thể hiện bản thân, phô diễn năng lực...

Trên mạng xã hội, bỗng dưng mọi người đều trở nên ấm no đầy đủ, thậm chí có phần sang chảnh; các gia đình đều viên mãn hạnh phúc và các cá nhân thì ưu tú xuất sắc, nếu không xinh đẹp nghiêng nước nghiêng thành thì cũng thông minh tuấn tú và đặc biệt là ai cũng bao dung nhân hậu thanh liêm chính trực.  Mọi vấn đề bức xúc xã hội đều nhanh chóng được đưa lên mạng để toàn dân phản biện, phán xét rồi nhanh chóng đóng lại để chuyển sang đề tài nóng bỏng hơn. Cả xã hội hừng hực khí thế như muốn cuối trôi mọi vấn nạn, mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào công cuộc kiến tạo đất nước, từ già tới trẻ từ nam phụ tới lão ấu. Tất thẩy đều háo hức cuông nhiệt tham gia vào cuộc chơi lớn. Để thấy, mạng xã hội đã len lỏi và thay đổi khống chế cuộc sống người dân hiện đại như thế nào. 

Trong dòng chảy đó, doanh nhân, một phần tất yếu và quan trọng của xã hội, không thể đứng ngoài cuộc dù chủ động hay bị động.  Nhiều ý kiến cho rằng, họ không có thời gian để chơi mạng. Tôi không phản đối, cũng như các bạn không có thời gian chơi thể thao, không đủ thời gian đi du lịch, không thể về ăn tối với gia đình... Tôi chia sẻ và cảm thông nhưng tiếc nuối cho họ.

Một số doanh nhân có thể không quan tâm nhưng nhân viên và người thân của họ đang là những cư dân mạng đầy năng động và nhiệt huyết trong làn sóng cuồn cuộn nói trên. Khi bạn đang chủ trì cuộc họp cũng là lúc các nhân viên của bạn ngồi bấm like nhiệt tình trong khi số khác khác thì mơ mộng thả hồn mình vào những bức ảnh tự sướng, những status thấm đẫm mùi “thính” hoặc “câu view” theo như cách gọi của cư dân mạng, và phần còn lại thì rúc rích hoặc say mê bình luận về các hot girl bán kem trộn, mỹ phẩm… mới bị đánh ghen.
Theo thống kê, chợ buôn Facebook hoạt động tấp nập nhất trong ngày là từ khoảng 1-3 giờ chiều và từ 7-8 giờ tối, đây có thể là một gợi ý nho nhỏ để các chủ doanh nghiệp thử kiểm tra tài khoản FB của nhân viên hoặc người thân nếu nổi hứng tò mò muốn khám phá thêm về họ.

"Dù bạn có quan tâm hay không, mạng xã hội vẫn đang thống trị cuộc sống của gần 1/3 dân số thế giới và ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày của người dân. Chỉ riêng Facebook, hiện đã có 1,8 tỷ người tham gia, mang về doanh thu trực tiếp cho doanh nghiệp khoảng 18 tỷ USD. Đồng thời gián tiếp tạo ra 227 tỷ USD và 4,5 triệu lao động trên toàn cầu.

Tôi biết một doanh nhân, anh không chỉ sử dụng mạng xã hội như một thói quen, mà còn như một công cụ. Anh đang là chủ tịch một công ty phần mềm đứng đầu Việt nam với hàng chục nghìn nhân viên. Mỗi năm bay hàng trăm chuyến từ Nhật sang Châu Âu, Châu Mỹ, tham dự không dưới 500 cuộc họp, tôi nghĩ ít ai có thể bận rộn hơn anh được. Thế nhưng, bạn bè, đồng nghiệp đối tác đều chỉ cần vào Facebook của anh là nắm được mọi hoạt động trong ngày của anh. Anh ăn sáng ở đâu, uống cafe quán nào, bay đi đâu tới sân bay lúc mấy giờ thậm chí tán chuyện với các cô tiếp viên xinh đẹp ra sao, mọi thứ đều được anh nắn nót cẩn thận đưa lên từng status. Nhiều người nói anh nghiện mạng xã hội, tôi nghĩ anh đang tận dụng mạng xã hội. Nó giúp anh hoà động với đồng nghiệp hơn, và tạo sự tin tưởng từ phía đối tác hơn. Mọi người sẽ nghĩ, anh ấy là người vui vẻ cởi mở, không ngại chia sẻ, và tôi biết là đa phần mọi người đều rất quý mến và tin tưởng anh. 

Tôi cũng biết một doanh nhân thành công khác, anh không hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao mà là chủ một chuỗi các nhà hang xa xỉ, các chất liệu thời trang mềm mại gắn chặt với cái tên đình đám của anh. Anh chơi mạng xã hội, như một thói quen. Giống như có người thích chơi đánh cờ, thích đá bóng, hoặc đi nhậu. Anh thích sử dụng mạng xã hội để giao lưu và chia sẻ. Tôi nghĩ người như anh không có nhiều thời gian rảnh rỗi. Nhưng hàng ngày, sáng cũng như chiều vẫn đều đặn sử dụng Facebook để giao lưu với gần 100,000 người theo dõi anh. Thậm chí, có những chia sẻ của anh vừa xuất hiện trên mạng, chỉ 15' sau một số báo chí đã có bài bình luận về ý kiến của anh. Tôi cũng nghĩ, anh đang tận dụng lợi thế của mạng xã hội để truyền đi những thông điệp cần thiết với chi phí bằng 0. 

Tôi cũng biết, một doanh nghiệp quy mô rất lớn với 30,000 nhân viên đang thực hiện việc triển khai mạng xã hội trong chính hoạt động nội bộ sản xuất kinh doanh của họ. Họ kỳ vọng, những gì nhân viên thích làm nhất, họ sẽ biến sở thích đó thành sức mạnh hữu ích cho doanh nghiệp. Những lời than thở hay tự hào của mọi nhân viên sẽ được chia sẻ trong mạng xã hội nội bộ, thậm chí cả những phàn nàn về các vấn đề của công ty đều được khuyến khích nhân viên công khai bày tỏ.

Đích cuối cùng của doanh nghiệp khi triển khai hệ thống này, không chỉ mong muốn tạo dựng một sân chơi cho nhân viên mà còn muốn tạo ra một hệ sinh thái văn phòng, để mọi người không chỉ cùng nhau tán dóc, mà còn phân công trao đổi công việc  trong một môi trường kết nối và chia sẻ hiệu quả. Có lẽ đây là công ty đầu tiên của Việt nam ký thoả thuận với Facebook để sử dụng Facebook at Work, 1 sản phẩm Mạng xã hội Doanh nghiệp được Facebook phát triển dành riêng cho môi trường Doanh nghiệp.

Nếu theo dõi đợt bầu cử tống thống Mỹ vừa qua, hẳn chúng ta thấy những lùm xùm về việc ám chỉ Donald Trump sử dụng mạng xã hội can thiệp (vào tâm lý người dân tham gia mạng xã hội) để gây ảnh hưởng vào kết quả bầu cử. Theo góc độ chuyên môn, tôi chắc chắn việc này là khả thi về mặt kỹ thuật. Đây chỉ là sự kết hợp của công nghệ cao, các thuật toán phân tích mẫu dữ liệu lớn và liệu pháp dẫn dắt tâm lý đám đông. Mạng xã hội cũng gián tiếp giúp thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Đã có nhiều trường hợp, chính quyền đã có phản ứng tích cực từ những bức xúc của người dân trên mạng xã hội, điển hình như chính phủ đã xem xét lại việc thi hành điều khoản 292 Bộ luật hình sự về tội Kinh doanh trái phép, sau khi nhận được các kiến nghị, được cho là xuất phát từ mạng xã hội. và còn nhiều trường hợp tương tự.

Cứ nhìn lượng truy cập trang Web của các tập đoàn nổi tiếng, dù đã thuê những nhân viên có bằng maketing chăm sóc, sẽ thấy sớm muộn cũng bị facebook vượt xa nếu chỉ tính riêng tốc độ lan toả hình ảnh. Vấn đề là chúng ta “sống” với nó thế nào, để nó trở thành phương tiện hữu ích cho công việc cũng như là cảm nhận một cách trực tiếp mọi biến động của đời sống xã hội. Cũng không thể quá e ngại, hay bảo thủ mà giới doanh nhân từ chối một kênh làm ăn, giao tiếp, mà gần như quá nửa đối tác, khách hàng của chúng ta đang tận dụng cơ hội mới mẻ đến từ hình thức tương tác này.

Vậy, có nên tham gia vào mạng xã hội hay không? Câu trả lời xin dành cho những doanh nhân luôn bận rộn nhưng nhanh nhậy với thời cuộc.

Phạm Quang Đức
CEO Công ty Cổ phần Sơn Master

Có thể bạn quan tâm