Thời hoàng kim với những tàu hàng vài chục ngàn tấn đã không còn
Vỡ kế hoạch
18 sản phẩm tăng thêm so với kế hoạch (198/180) là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kết quả sản xuất kinh doanh đầy ảm đạm của SBIC năm 2016.
Tuy nhiên, không giống như thời hoàng kim của ngành đóng tàu Việt Nam cách đây khoảng chục năm, các đơn hàng mà SBIC thực hiện chủ yếu là các mẫu tàu “cò con”, nên không đủ vực dậy ông lớn đóng tàu thoát khỏi bạo bệnh.
Theo ông Cao Thành Đồng, quyền Tổng giám đốc SBIC, năm 2016, giá trị sản xuất toàn Tổng công ty đạt 6.181 tỷ đồng; doanh thu và thu nhập khác đạt 6.422 tỷ đồng, lần lượt đạt 78,8% và 87,5% so với kế hoạch đề ra.
Điều đáng nói là, nếu chỉ tính riêng hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong năm tài chính 2016, SBIC lãi 150 tỷ đồng, nhưng hạch toán đầy đủ các di chứng “thừa kế” từ thời Vinashin, hiện tổng lỗ lũy kế của Tổng công ty đã lên tới 5.405 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là khoản lỗ do chi phí tài chính (lãi vay cũ và chênh lệch tỷ giá) -3.834 tỷ đồng; lỗ do thanh lý tàu -636 tỷ đồng.
Thị trường đóng tàu trong nước và quốc tế vẫn tiếp tục gặp khó khăn, do đó việc xúc tiến thương mại để ký hợp đồng không như dự kiến ban đầu”, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC cho biết.
Không giống như thời hoàng kim của ngành đóng tàu Việt Nam cách đây khoảng chục năm, các đơn hàng mà SBIC thực hiện chủ yếu là các mẫu tàu “cò con”.
Từ 2 năm nay, các đơn hàng chính của SBIC là các dự án đóng tàu sử dụng vốn ngân sách. Tuy nhiên, năm nay, do việc cắt giảm đầu tư công của Chính phủ, nhiều dự án đóng mới tàu của các đơn vị đã giãn tiến độ theo kế hoạch bố trí vốn; chương trình đóng tàu cá theo Nghị định số 67/NĐ-CP, do vướng mắc về cơ chế như thuế VAT, bảo lãnh… nên việc triển khai ký hợp đồng của các đơn vị không theo được kế hoạch đề ra.
Được biết, chỉ riêng 2 tàu kiểm ngư cỡ lớn (số 5, số 6) chưa được giao thi công cho Công ty Đóng tàu Hạ Long đã làm giảm gần 700 tỷ đồng giá trị sản xuất và 600 tỷ đồng giá trị doanh thu toàn Tổng công ty.
Do thiếu đơn hàng nên trong năm 2016, toàn Tổng công ty vẫn còn tới gần 1.400 lao động thiếu việc làm, tập trung chủ yếu tại các công ty cổ phần. Trong năm qua, đã có 1.699 người lao động dứt bỏ SBIC, trong đó có nhiều thợ kỹ thuật bậc cao ở các nhà máy đóng tàu chủ chốt.
Bên cạnh đó, với lực lượng lao động lên tới 14.874 người, năng suất lao động của SBIC hiện rất thấp, chỉ loanh quanh khoảng 80 triệu đồng/người/quý, nên thu nhập của người lao động trong toàn Tổng công ty chỉ đạt 6,4 triệu đồng/tháng. Tính đến hết quý IV/2016, Tổng công ty đang nợ lương 80 tỷ đồng; nợ hơn 130 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (chưa bao gồm tiền khoanh nợ là 224,2 tỷ đồng).
Chưa thoát khỏi thế khó
Không còn các tàu biển cỡ lớn tải trọng hàng chục ngàn DWT, người khổng lồ trong ngành đóng tàu ngày nào giờ phải “cúi lưng nhặt bạc cắc” từ các hợp đồng đóng tàu cá vỏ thép vài trăm tỷ đồng nhưng vẫn rất khó khăn.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, SBIC cũng đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân vốn cũng đang quay quắt vì thiếu việc làm đang diễn ra trên diện rộng trong ngành đóng tàu.
Trong khi đó, hai trở ngại lớn nhất của SBIC khi tham gia thị trường đóng tàu quốc tế là khả năng chào giá (bao gồm khả năng chào hàng kỹ thuật, bóc tách khối lượng, dự toán chi phí sản xuất một cách chính xác, kịp thời) và khả năng tài chính (bao gồm thu xếp bảo lãnh và vốn lưu động để có mức chi phí tài chính hợp lý).
“Ở điều kiện hiện tại, các nhà máy của SBIC chỉ có thể tham gia thị trường quốc tế dưới hình thức gia công. Khó khăn càng lớn hơn khi thị trường đóng tàu thế giới chưa phục hồi và uy tín của SBIC đang xuống rất thấp”, một lãnh đạo SBIC cho biết.
Cơn giáp hạt việc làm của SBIC trong năm 2017 thậm chí còn gay gắt hơn, khi Tập đoàn Damen (Hà Lan), đối tác nước ngoài lớn nhất của Tổng công ty đang tạm dừng/giãn tiến độ triển khai các sản phẩm mới tại Việt Nam.
Đây là lý do khiến SBIC phải giảm hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh năm 2017, trong đó doanh thu và thu nhập khác dự kiến đạt 5.564 tỷ đồng, bằng 89,3% so với năm ngoái.
Cần phải nói thêm rằng, việc không có thêm những đơn hàng lớn, ngoài việc khiến quá trình tái cơ cấu, trả nợ của SBIC thêm gian nan, còn khiến đơn vị này mai một đi các nguồn lực về nhân sự, khi sự kiên nhẫn của các kỹ sư đóng tàu bậc cao đang bám trụ tại các nhà máy ngày càng cạn kiệt.
Liên quan tới công tác tái cơ cấu, SBIC nhận định, việc cổ phần hóa 7 nhà máy đóng tàu thuộc diện giữ lại là Hạ Long, Phà Rừng, Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn, Thịnh Long, Cam Ranh, Bạch Đằng, Hàng hải Sài Gòn đang bị vướng do các đơn vị này đều đang âm vốn chủ sở hữu, thậm chí có đơn vị âm vốn chủ sở hữu rất lớn. Trong khi đó, tiến độ giải thể, phá sản 59 doanh nghiệp thua lỗ rất chậm, dù Tổng công ty đã đệ đơn lên tòa án, khiến SBIC phải mất chi phí duy trì các đơn vị đã thực hiện nộp đơn phá sản.
“Do thủ tục giải thể, phá sản quá phức tạp, nên trong năm 2016, SBIC đã phải chi 4,9 tỷ đồng cho 11 đơn vị đang chờ “chết” (tiền lương, bảo hiểm xã hội, văn phòng) và chưa biết còn phải chi trả khoản tiền nói trên đến khi nào”, lãnh đạo SBIC cho biết.
|
Theo Anh Minh/Báo Đầu tư