Rủi ro lớn nhất đến từ biến động bất thường của giá vàng thế giới
Vàng đang trong xu hướng tăng kể từ sau khi thiết lập mốc cao hồi tháng 9/2011 và mốc thấp 1.046,20 USD/oz hồi tháng 12/2015. Sau động thái nâng lãi suất cuối năm ngoái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), giá vàng bắt đầu đi lên.
Hiện vàng giao ngay đang được bán với giá gần 1.140 USD/oz, sau khi giá giảm xuống 1.125 USD trước đó (là mức đáy 10 tháng) bởi quyết định nâng lãi suất của FED lần thứ 2 sau gần 10 năm. Đà hồi phục sau đó đã được hình thành khi thị trường ổn định trở lại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng USD vẫn khá mạnh mẽ, cộng với triển vọng “diều hâu” hơn nữa của FED trong năm 2017 thì áp lực giá xuống vẫn đè nặng lên kim loại quý.
Trên thị trường tiền tệ, USD vẫn đang ở mức giá quanh mốc đỉnh 14 năm so với các đồng tiền mạnh khác trong giỏ tiền tệ. Chỉ số US Index tăng lên 102,30, sau khi chạm vùng 102,62 - cao nhất kể từ tháng 1/2003. Tuy nhiên, làn sóng lo ngại rủi ro mới phát sinh trên thị trường chứng khoán đang hỗ trợ phần nào cho giá vàng, giúp vàng không giảm quá sâu.
Giá vàng trong năm 2017 ra sao là dựa rất nhiều vào sức khoẻ của cả hai nền kinh tế hàng đầu trên thế giới hiện nay là Mỹ, Trung Quốc cũng như sự ổn định của tình hình các nước trong Liên minh Châu Âu (EU).
Còn tại Việt Nam, xu hướng giá vàng sẽ ra sao? Và việc đầu tư hay đầu cơ vào vàng có gặp rủi ro nào không?
Tương lai giá vàng phụ thuộc lớn vào sức khoẻ nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc
Kinh tế Mỹ năm 2016 tiếp tục diễn biến phức tạp trong bối cảnh các nhà chức trách đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP thường niên quý I/2016 của Mỹ chỉ tăng 0,8%– mức tăng hàng quý thấp nhất kể từ quý I/2014 (tăng 0,9%) và thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,4% trong quý IV/2015. Hầu hết các ngành và lĩnh vực của Mỹ đều ghi nhận mức tăng trưởng yếu, trừ điểm sáng duy nhất là thị trường nhà đất. Tăng trưởng quý II/2016 cũng chỉ đạt 1,2% - thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2,6% trước đó; tăng trưởng 2,9% trong quý III so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong 2 năm trở lại đây, nhờ vào dấu hiệu tích cực từ xuất khẩu và chi tiêu dùng, đã vượt dự đoán 2,5%.
Sự kiện Brexit đã khiến Mỹ phải trì hoãn chính sách nâng lãi suất. Trong cuộc họp cuối tháng 7 vừa qua, FED vẫn quyết định giữ nguyên mức lãi suất cho vay ở biên độ từ 0,25-0,5%, và đã tăng lãi suất thêm 0,25% tại cuộc họp ngày 13-14/12 vừa qua. Năm 2017, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn đạt mức 2,2% dựa trên giả định nền kinh tế chưa chịu nhiều ảnh hưởng từ Brexit, lãi suất sẽ được tăng một cách dần dần, tình hình ngân sách cũng như tài chính doanh nghiệp được cải thiện; thị trường nhà đất tiếp tục hồi phục; nhu cầu của thị trường trong nước sẽ giúp bù đắp áp lực suy giảm tăng trưởng từ việc đồng USD mạnh, tăng trưởng chậm của các đối tác thương mại và sản xuất công nghiệp suy yếu.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố hậu thuẫn cho đà tăng trưởng của Mỹ năm 2017, có thể thấy vẫn có một số yếu tố cản trở: làn sóng phản đối hội nhập kinh tế quốc tế đang gia tăng có thể khiến việc trì hoãn hoặc thậm chí huỷ bỏ việc thông qua của Chính phủ Mỹ đối với một số các Hiệp định quan trọng, như TPP theo như lời phát biểu của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục giảm tốc từ con số 6,9% vào năm 2015 xuống còn mức dự báo 6,6% trong năm 2016 và 6,2% trong năm 2017.
"Các nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường vàng tại Việt Nam thời gian qua thì tới trên 90% là bị thua lỗ, trong đó có cả các nhà đầu tư “sừng sỏ” trong lĩnh vực này. |
Mặc dù còn nhiều khó khăn đối với nền kinh tế Mỹ, sau cuộc họp ngày 14/12 vừa qua, FED vẫn dự định nâng lãi suất 3 lần trong năm 2017, 2 hoặc 3 lần trong năm 2018, và 3 lần trong năm 2019 đang khiến thị trường vàng lao đao. Tương tự như thông báo sau cuộc họp cuối năm 2015, FED vẫn dự báo là sẽ nâng lãi suất khoảng 4 lần trong năm 2016, nhưng thực chất FED chỉ nâng đúng 1 lần vào giữa tháng 12 vừa qua.
Do đó, việc FED có tăng lãi suất vào năm sau hay không là phụ thuộc rất lớn vào không chỉ sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ mà còn dựa vào các sự thay đổi trong chính sách của Tổng thống dự kiến nhậm chức vào ngày 20/1/2017 của Mỹ, cũng như tình hình sức khoẻ của nền kinh tế Trung Quốc và sự ổn định của khu vực khối EU.
Cho nên, việc tăng hay giảm của giá vàng trong năm 2017 là một hàm số đa biến, phụ thuộc vào ba ẩn số chính, đó là sức khoẻ nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và tình hình kinh tế, chính trị chung của khối EU. Mặc dù vậy, khi mà nền kinh tế Mỹ còn đang gặp rất nhiều khó khăn không chỉ xuất phát từ các vấn đề trong nước mà còn từ tình hình phức tạp của nhiều nước trên thế giới, việc tăng lãi suất của FED trong năm sau là điều không hề dễ dàng, kết hợp với việc suy giảm dần các lợi thế đã giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc suốt 3 thập kỷ vừa qua là những lợi thế từ quá trình toàn cầu hoá, công nghiệp hoá và dân số “khổng lồ”cũng như sự tác động không rõ ràng của hiện tượng Brexit có thể phần nào tạo lợi thế cho giá vàng đi lên trong năm tới.
Đứng trước những thuận lợi từ nội tại nền kinh tế Mỹ, các cam kết phát triển kinh tế từ chính sách thúc đẩy chi tiêu công và cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng như những khó khăn của nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, khả năng tăng thêm từ 5% - 10% của giá vàng trong năm sau so với hiện nay là hoàn toàn có thể dự báo được.
Người dân đầu tư vào vàng sẽ gặp nhiều rủi ro!
Giá vàng trong nước đang phần lớn dựa vào sự biến động của giá vàng thế giới và tâm lý đầu cơ trong nước. Từ đầu tháng 12 đến nay, các tin đồn thất thiệt trên thị trường góp phần đẩy giá USD, đồng thời kéo giá vàng trong nước ở mức cao dù giá vàng thế giới liên tục đi xuống. Giá vàng bị đẩy lên chủ yếu do bị tác động tăng giá USD dựa vào tin đồn thất thiệt, chứ không hẳn do nhu cầu từ người mua như các năm trước đây.
Giá vàng trong nước cũng chia làm hai loại, trong khi giá vàng nữ trang thì bám theo sát giá vàng thế giới vì giá này được xác định căn cứ vào giá vàng nguyên liệu 99,99 trên thị trường, giá vàng miếng SJC, DOJI hiện cao hơn giá vàng thế giới trên dưới 5 triệu đồng/lượng, với rất nhiều rủi ro đan xen mà cuối cùng người chịu thiệt hại nặng nề nhất vẫn là các nhà đầu tư nhỏ lẻ với không nhiều kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực kinh doanh vàng.
Rủi ro lớn nhất trong việc đầu cơ vàng miếng là xuất phát từ sự biến động thất thường của giá vàng thế giới. Sóng vàng luôn phức tạp, chạy theo nhiều biến số khác nhau và rất khó lường. Theo số liệu thống kê của các nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường vàng tại Việt Nam thời gian qua, trên 90% các nhà đầu tư đều bị thua lỗ, trong đó có cả các nhà đầu tư “sừng sỏ” trong lĩnh vực này.
Một rủi ro khác nữa cho việc đầu cơ vàng khi giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới là xuất phát từ sự can thiệp của NHNN. NHNN luôn theo dõi sát diễn biến của thị trường vàng, sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực, công cụ, giải pháp để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết, từ đó sẽ làm cho giá vàng miếng trong nước về gần sát với giá vàng thế giới.
Trong mối tương quan của việc đầu tư kinh doanh giữa các thị trường tại Việt Nam hiện nay, như thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ, gửi tiết kiệm hay là các thị trường khác, việc đầu tư vào thị trường vàng miếng hay đầu cơ ngoại tệ được xếp trong nhóm rủi ro lớn nhất trong khi lợi nhuận thì chưa chắc đảm bảo cao bằng các thị trường khác. Ví dụ như đầu tư vào bất động sản, nếu chọn được phân khúc và địa điểm tốt thì người dân hoàn toàn có thể có được tỷ suất sinh lợi rất cao, có thể từ 10% - 25%/năm; hay đầu tư vào thị trường chứng khoán với các mã chứng khoán tốt thì có thể thu được lợi nhuận từ 7% - 15%/năm.
Theo TS. Bùi Quang Tín/Trí thức trẻ