Dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động xuất khẩu cũng có những điểm sáng. Đó là tốc độ suy giảm xuất khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước (giảm 5,7%) thấp hơn so với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (giảm 9,1%). Bên cạnh đó, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, bằng cùng kỳ năm trước.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Thị Hương nhận định, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã dần được cải thiện qua các quý. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu quý 1 giảm 11,9%; quý 2 giảm 11,8% nhưng đến quý 3 chỉ giảm 1,2% so với cùng kỳ. Từ những tín hiệu tích cực này, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm.
Hiện nay nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ/bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Trong chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) diễn ra tháng 9 vừa qua tại TP.HCM, hàng loạt tập đoàn lớn đã có mặt để khảo sát, làm việc với các nhà cung ứng, tham quan quy trình sản xuất các nhà máy, từ đó tìm kiếm thêm nhiều đối tác mua hàng uy tín từ Việt Nam.
Để có thể duy trì đà tăng trưởng, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Theo đó, Bộ đã phối hợp với các nước ASEAN kết thúc đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA). Hiện dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định AANZFTA đang được hoàn thiện, hướng tới mục tiêu cùng các nước ASEAN, Australia và New Zealand cùng ký Nghị định thư ngay trong năm 2023.
Về việc đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh (UK); Bộ Công thương cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án, chuẩn bị nội dung và tham dự ba phiên họp chính thức cấp trưởng đoàn đàm phán, ba phiên họp cấp bộ trưởng CPTPP để thảo luận về vấn đề này.
Bộ Công Thương hiện đang xây dựng hồ sơ trình phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên năm 2024. Riêng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) vừa được ký kết, Bộ Công thương đang tiến hành các thủ tục nội bộ theo quy định tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016 để trình Chính phủ phê duyệt VIFTA, sớm đưa hiệp định này vào thực thi dự kiến từ đầu năm 2024. Song song với đó, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm phổ biến rộng rãi các cam kết của VIFTA tới cộng đồng doanh nghiệp.