Dự kiến bỏ hơn 14.000 MW điện than ra khỏi Quy hoạch điện VIII

Phương án phát triển nguồn điện tại dự thảo Quy hoạch điện VIII sau rà soát là giảm tối đa điện than, từ 25-31% vào năm 2030 về còn xấp xỉ 10% năm 2045.
Dự kiến bỏ hơn 14.000 MW điện than ra khỏi Quy hoạch điện VIII

Theo đó, Bộ Công Thương đang xin ý kiến Chính phủ bỏ 14.120 MW điện than. Trong số này có 8.420 MW do các tập đoàn Nhà nước được giao làm chủ đầu tư. 

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao 3.600 MW, gồm các dự án Quảng Trạch 1, Tân Phước 1 và Tân Phước 2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư dự án Long Phú 3, công suất 1.980 MW. Còn Tập đoàn Than & khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao 2.840 MW, gồm dự án Cẩm Phả 3, Hải Phòng 3 và Quỳnh Lập 1.

Ngoài ra, còn dự án đầu tư theo hình thức BOT khoảng 4.500 MW và chưa giao nhà đầu tư 1.200 MW.

Riêng 3 dự án đầu tư theo hình hức BOT, chủ đầu tư các dự án Vũng Áng 3 là Công ty Samsung C&T và dự án Long Phú 2 là Công ty TATA Power đã có văn bản xin rút và được Thủ tướng đồng ý.

Còn lại dự án BOT Quỳnh Lập 2 (công suất 1.200 MW) mới được Thủ tướng giao cho Công ty Posco Energy nghiên cứu, phát triển, chứ chưa chính thức giao cho doanh nghiệp này làm chủ đầu tư. Posco Energy đang đề xuất chuyển dự án này từ nhiệt điện than sang khí LNG và nâng công suất dự án. Tuy nhiên, dự án này được phát triển theo hình thức BOT và Posco Energy có được làm chủ đầu tư dự án tiếp hay không phải theo quy định Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP).

Các dự án điện than mới cũng không được phát triển sau năm 2030 và xem xét chuyển một số dự án dùng nhiên liệu than sang sử dụng LNG và phát triển điện khí LNG ở quy mô phù hợp.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng phát triển năng lượng tái tạo, điện khí... Việc này được Bộ Công Thương nhấn mạnh là để đạt mục tiêu cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP 26 về trung hoà carbon vào năm 2050.

Có thể bạn quan tâm