Không chỉ là sân chơi dành cho giới thượng lưu, golf đang từng bước chuyển mình trở thành một ngành kinh tế du lịch đầy tiềm năng tại Việt Nam. Điều đặc biệt là sự chuyển mình ấy không đi theo lối mòn “nhân bản hóa” các mô hình nghỉ dưỡng quốc tế, mà dần định hình một hướng đi mới - nơi bản sắc địa phương, trải nghiệm văn hóa và yếu tố bền vững trở thành lợi thế cạnh tranh chiến lược.
BẢN ĐỒ DU LỊCH GOLF CẦN NHỮNG ĐIỂM ĐẾN CÓ CÁ TÍNH RIÊNG
Giữa bối cảnh ngành du lịch toàn cầu đang chuyển hướng sang những trải nghiệm độc đáo, sâu sắc và cá nhân hóa, golf không còn đơn thuần là môn thể thao dành cho giới thượng lưu mà đang trở thành một phần trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch của nhiều quốc gia. Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Malaysia đã sớm đi trước với hệ thống sân golf hiện đại và chiến lược quảng bá chuyên nghiệp.
Thống kê từ Asia Golf Journey, du lịch Golf tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với 30-40% du khách quốc tế lựa chọn các chuyến đi liên quan đến golf vào đầu năm 2023. Việt Nam với tiềm năng tự nhiên, văn hóa và vị trí địa lý vượt trội đang đứng trước cơ hội "vàng" để bứt phá, nếu biết tái định vị đúng hướng.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Tổng cục Du lịch, với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Việt Nam đang tích cực phát triển các loại hình du lịch mới dựa trên thế mạnh tài nguyên thiên nhiên, trong đó du lịch Golf là một trong những sản phẩm nổi bật đã được đưa vào các chiến lược và quy hoạch phát triển lâu dài của ngành.
"Golf không chỉ là một bộ môn thể thao mà còn là một ngành kinh tế đem lại giá trị cao. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đã có những chiến lược để phát triển du lịch Golf.
Với điều kiện địa hình, khí hậu và văn hóa, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển mạnh du lịch Golf. Nhất là với đường biển dài và nhiều bờ biển, đảo đẹp của Việt Nam sẽ là điều kiện lý tưởng để phát triển các tổ hợp vui chơi, giải trí, phát triển du lịch Golf", ông Khánh cho biết.
Ở góc nhìn từ doanh nghiệp, theo bà Thu Lành - Giám đốc điều hành Trang An Golf & Resort, du lịch Golf tại Việt Nam đang sở hữu tiềm năng phát triển rất lớn trong những năm tới. Với lợi thế về địa hình, khí hậu và cảnh quan tự nhiên đa dạng từ Bắc vào Nam, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển hệ thống sân golf kết hợp nghỉ dưỡng và văn hóa - một mô hình đang được ưa chuộng trên thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu golf trong nước ngày càng tăng, cùng với lượng khách quốc tế yêu thích golf cũng mở ra dư địa thị trường lớn cho ngành này.
Trang An Golf & Resort đã và đang xác định rõ định hướng phát triển du lịch Golf gắn với di sản, kết hợp giữa thể thao, nghỉ dưỡng và trải nghiệm văn hóa bản địa như Tràng An, Tam Cốc, cố đô Hoa Lư, Bái Đính... để tạo nên những giá trị khác biệt và bền vững.
Nếu được đầu tư đúng hướng từ hạ tầng, nguồn nhân lực đến truyền thông quốc tế tôi tin rằng du lịch Golf sẽ trở thành một trụ cột quan trọng của ngành du lịch Việt Nam trong tương lai.
Cũng theo vị giám đốc này, để thu hút du khách quốc tế và khẳng định vị thế trên bản đồ golf khu vực, Việt Nam cần một chiến lược phát triển dài hạn, có chiều sâu và mang bản sắc riêng.
"Trước hết, mỗi điểm đến golf cần định hình cá tính rõ ràng, thay vì chạy theo mô hình đại trà", bà Lành nói.
Trang An Golf & Resort hiện đang phát triển mô hình “Golf giữa di sản”, kết hợp thể thao cao cấp với nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa dựa trên lợi thế đặc biệt là nằm giữa Quần thể Di sản Tràng An. Đây chính là yếu tố khác biệt mà ít sân golf nào trong khu vực có được
Thứ hai, nâng chuẩn dịch vụ lên tầm quốc tế một cách đồng bộ là yêu cầu bắt buộc.
"Du khách ngày nay quan tâm đến toàn bộ hành trình từ chất lượng sân golf, lưu trú, ẩm thực, đến thái độ phục vụ, khả năng giao tiếp quốc tế và hệ sinh thái trải nghiệm xung quanh. Trang An Golf & Resort đang đầu tư mạnh vào mô hình nghỉ dưỡng tích hợp, kết hợp sân golf, villa, camping, chăm sóc sức khỏe, hoạt động ngoài trời và các tour khám phá di sản", bà Lành chia sẻ.
Cuối cùng, truyền thông và xúc tiến quốc tế cần được đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa. Việt Nam cần chủ động hơn trong việc quảng bá golf ra thế giới thông qua các kênh truyền thông chuyên ngành, sự kiện quốc tế và liên kết với các hãng lữ hành.
Khi được phát huy bản sắc địa phương, đầu tư bài bản và xây dựng trải nghiệm golf mang chiều sâu văn hóa Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến golf đặc trưng của châu Á trong tương lai gần.
KHI SÂN GOLF TRỞ THÀNH KHÔNG GIAN KỂ CHUYỆN VĂN HÓA VÀ LỐI SỐNG
Không còn là những sân chơi đơn thuần dành cho giới yêu thể thao, golf ngày nay đang dần trở thành một phần trong phong cách sống và hành trình khám phá văn hóa của du khách hiện đại. Họ tìm đến sân golf không chỉ để chinh phục thử thách kỹ thuật, mà còn để tận hưởng không gian thư giãn, kết nối với thiên nhiên và đắm mình trong những câu chuyện văn hóa - lịch sử bản địa.
Giám đốc điều hành Trang An Golf & Resort cho rằng, ngày nay, du khách lựa chọn du lịch Golf không chỉ vì đam mê thể thao mà vì họ tìm kiếm một trải nghiệm trọn vẹn nơi hội tụ giữa đẳng cấp, tiện nghi, văn hóa và cảm xúc.
Trong đó, trải nghiệm trọn gói và tiện nghi cao cấp là yếu tố được ưu tiên hàng đầu. Khách không chỉ quan tâm đến chất lượng sân golf mà còn đòi hỏi hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ từ lưu trú đẳng cấp, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực tinh tế đến không gian thư giãn riêng tư.
Tiếp theo là tính độc đáo và sự kết nối với văn hóa bản địa ngày càng quan trọng. Những sân golf gắn với thiên nhiên và di sản như Trang An Golf & Resort ở Ninh Bình có sức hút đặc biệt vì mang lại trải nghiệm du lịch đặc sắc, với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, ẩm thực địa phương phong phú chứ không đơn thuần chỉ chơi golf.
Ngoài ra, dịch vụ cá nhân hóa và yếu tố cảm xúc là xu hướng nổi bật. Du khách mong muốn mọi thứ được thiết kế theo nhu cầu riêng từ lịch trình linh hoạt đến không gian “healing” hay “workation”.
Bên cạnh đó, những trải nghiệm đẹp, độc đáo có thể chia sẻ trên mạng xã hội cũng là một phần trong quyết định chọn điểm đến.
"Tóm lại, du lịch Golf hiện nay không còn là sản phẩm đơn lẻ, mà là hành trình đa lớp nơi thể thao, nghỉ dưỡng, văn hóa và cảm xúc cá nhân hòa quyện. Và để đáp ứng xu hướng đó, các điểm đến cần không ngừng đổi mới, đầu tư sâu về trải nghiệm và giữ vững cá tính riêng", bà Lành nhấn mạnh.
Tính đến năm 2025, Việt Nam có hơn 80 sân golf 18 hố đang hoạt động và con số này dự kiến sẽ đạt mốc 200 vào năm 2030. Đáng chú ý, Việt Nam liên tục được World Golf Awards vinh danh là “Điểm đến Golf hàng đầu châu Á” trong 6 năm liên tiếp (2017-2022), không chỉ nhờ vào cảnh quan ngoạn mục mà còn bởi chất lượng sân golf đạt chuẩn quốc tế.
Theo Tổng cục Du lịch, doanh thu từ du lịch Golf đã đạt 600 triệu USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ cán mốc 1 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp khoảng 8 - 10% tổng doanh thu du lịch quốc gia.