Du lịch Việt Nam "tăng tốc" hướng tới mục tiêu đón 22–23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025

Du lịch Việt Nam nỗ lực đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, trên 120-130 triệu lượt khách nội địa, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025...

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 6 tháng cuối năm 2025, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 9/7.

THÊM DƯ ĐỊA CHO NGÀNH DU LỊCH PHÁT TRIỂN

Nhắc lại báo cáo của Chính phủ tại phiên họp đầu tháng 7 vừa qua, khẳng định du lịch là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Tập trung phát triển kinh tế để đưa ngành du lịch thực hiện mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước đạt 8%. Ngành du lịch cần hợp lực để cùng bứt tốc, đưa du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á"

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến phát triển du lịch và khẳng định du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua, ghi nhận những nỗ lực của các địa phương. Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp là làm sao để không đứt gãy trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và phải nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng đề nghị, ngành du lịch phải quyết tâm thực hiện "hợp lực, trọng điểm, bứt tốc" để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á. Các địa phương sau khi sáp nhập cần rà soát, đánh giá lại tài nguyên trong không gian rộng hơn, từ đó có chiến lược phân khu, định vị điểm đến du lịch. Các địa phương cần điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong quản lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển trong lĩnh vực du lịch. Tái xác định thị trường trọng điểm, tập trung vào 10 thị trường hàng đầu gồm có Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông, Nga, EU, trong đó cần xác định "Thị trường là trung tâm, thương hiệu là nền tảng", từ đó có chính sách phát triển du lịch hiệu quả.

Tập trung phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm công nghệ, trong đó tăng cường số hóa dữ liệu, số hóa điểm đến.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, “vẽ lại bản đồ du lịch" không có nghĩa là phủ nhận những gì đã có, mà là tiếp cận lại dưới lăng kính phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa - bản sắc. Đó là phải tạo ra được sự liên kết, phát huy được lợi thế, cơ hội phát triển mới và không gian rộng mở sau sáp nhập, thay vì không gian hẹp trước đây.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, việc sáp nhập địa giới hành chính mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch khi các địa phương có thêm dư địa về tài nguyên.

Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là các địa phương cần thực hiện ngay việc tái cấu trúc sản phẩm du lịch sau khi sáp nhập", ông Hùng nói.

Bộ trưởng lấy dẫn chứng, khi Gia Lai sáp nhập Bình Định, tỉnh Gia Lai mới không chỉ còn có vùng đất đỏ Tây Nguyên, Biển Hồ mà còn có những bãi biển đẹp ở Ghềnh Ráng.

Hay tỉnh Quảng Trị mới, sáp nhập thêm Quảng Bình, có rất nhiều nguồn lực và không gian trải dài trên dải đất miền Trung. Đó là Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử cách mạng; từ lợi thế thiên nhiên đến cả những chứng tích chiến tranh, ký ức khốc liệt của chiến tranh ở miền đất này...

"Phải làm sao để đưa du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn truyền cảm hứng, chạm đến trái tim của du khách, khơi dậy cảm hứng của du khách để thu hút và giữ chân du khách", Bộ trưởng nói.

TẠO BỨT PHÁ CHO NGÀNH DU LỊCH BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI

Để tạo sự bứt phá cho ngành Du lịch bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng, theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, toàn ngành Du lịch sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong giai đoạn tới gồm:Tham mưu hoàn thiện thể chế theo hướng "kiến tạo phát triển": sửa đổi Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và thuận lợi cho công tác quản lý; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp du lịch.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, tham mưu ban hành "chính sách, cơ chế đột phá", trong đó phối hợp với các ngành Ngoại giao, Công an để tham mưu, đề xuất mở rộng chính sách miễn thị thực, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh để tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế; phối hợp tham mưu xây dựng và ban hành chính sách thuế phù hợp, đặc biệt về thuế đất đối với các khu du lịch, thuế nhập khẩu trang thiết bị khách sạn, vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển khách du lịch; phối hợp ngành Hàng không đề xuất mở rộng kết nối với các thị trường quốc tế; với ngành Nông nghiệp, Đường sắt để khai thác hiệu quả loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch đường sắt;

Tiếp tục định hướng phát triển du lịch đi vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu: xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp và sản phẩm đặc thù theo vùng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực… mang tầm của điểm đến thế giới trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh quốc gia gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch đẳng cấp, mang lại những giá trị trải nghiệm thực sự đặc sắc, ấn tượng cho du khách; định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu.

Đồng thời, thúc đẩy thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong hoạt động du lịch. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm "lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm".

Tràng An (Ninh Bình)

Mặt khác, tập trung cơ cấu lại thị trường du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường du lịch thế giới. Rà soát, nhanh chóng phục hồi, củng cố vững chắc các động lực tăng trưởng của Ngành; nghiên cứu tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, còn nhiều dư địa, phù hợp với bối cảnh mới.

Đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch, cải thiện khả năng cạnh tranh về chi phí logistics, nhân lực.

Chỉ đạo, định hướng ngành Du lịch các địa phương tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách

Tiếp tục đổi mới cả về nội dung, phương thức thực hiện, kết hợp hài hòa nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội trong quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia; tập trung quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch.

Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, các nền tảng số kết nối hệ thống thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế. Định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu.

Báo cáo kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thời gian qua ngành Du lịch đã tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được những kết quả nổi bật. Du lịch được Chính phủ đánh giá là một trong 10 điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội.

Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024; đạt 48,6% so với kế hoạch năm. Tổng lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 518 nghìn tỷ đồng, đạt 52,8% so với kế hoạch năm 2025.

Kết quả tăng trưởng của du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao. Quý 1 năm 2025, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2024, cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và xếp thứ 6 trên toàn thế giới. Xét về góc độ phục hồi so với năm 2019 thời điểm trước dịch, Việt Nam cũng có kết quả rất tốt, xếp thứ 2 ở châu Á Thái Bình Dương với mức tăng 34%. Trong bối cảnh du lịch châu Á Thái Bình Dương vẫn đang tìm đường phục hồi thì mức tăng trưởng của Việt Nam thực sự trở thành điểm sáng trong khu vực.

Có thể bạn quan tâm