Dư nợ tại 12 đại dự án ngành công thương lên đến gần 21.000 tỷ đồng

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng dư nợ mà 17 ngân hàng và 1 công ty tài chính cấp cho 12 dự án “đắp chiếu” ngành Công thương là 20.938 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trung dài hạn là 17.169 tỷ đồng, dư nợ ngắn hạn là 3.769 tỷ đồng.
Dư nợ tại 12 đại dự án ngành công thương lên đến gần 21.000 tỷ đồng

Ngoài 12 dự án, doanh nghiệp này ra, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan 22.964 tỷ đồng, trong đó, dư nợ trung hạn 17.263 tỷ, ngắn hạn 5.701 tỷ đồng.

Trong đó Ngân hàng Phát triển Việt Nam còn cấp tín dụng cho 6 dự án gồm: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2- Tisco, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Dự án đạm Hà Bắc, Dự án DAP số 1 Hải Phòng, Dự án DAP số 2 Lào Cai và Nhà máy đóng dầu Dung Quất. Tổng dư nợ đến cuối 2019 là 9.796 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) mới đây cũng từ chối việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) với khoản vay tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) do những khúc mắc tại dự án này chưa được giải quyết thỏa đáng.

Các thông tin này do Chính phủ báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Theo báo cáo, mặc dù số lượng nhiệm vụ giai đoạn 2017 - 2019 mà các bộ, cơ quan, doanh nghiệp đã hoàn thành đạt khoảng 75,36% nhưng những vướng mắc, mấu chốt nhất của các dự án, doanh nghiệp chưa được giải quyết, phần lớn tập trung ở các nhiệm vụ còn lại với 3 nhóm vấn đề: Xử lý dứt điểm tranh chấp, vướng mắc để quyết toán hợp đồng EPC, quyết toán toàn bộ dự án; Khó khăn về tài chính, cơ cấu lại nợ, giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay; Xây dựng phương án thoái vốn.

Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án 1468, đến nay, một số dự án, doanh nghiệp đã có những chuyển biến nhất định nhưng nhìn chung vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại. Chỉ có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi (trong đó 1 doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế).

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, đa số doanh nghiệp gặp các khó khăn về tài chính như tín dụng chịu lãi suất cao, chi phí tài chính lên đến 30%...

Để giải quyết các khó khăn này, các doanh nghiệp chủ yếu đề xuất hướng giải quyết tháo gỡ tập trung vào 3 giải pháp sau: Cơ cấu nợ, khoanh nợ; giãn khấu hao và giảm lãi suất.

Tuy nhiên, về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết theo Luật các tổ chức tín dụng quy định các tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh, việc các tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay trên cơ sở cân đối nguồn vốn, lãi suất huy động và khả năng tài chính của từng ngân hàng thương mại.

Hơn nữa, theo quy định hiện hành, không quy định việc tổ chức tín dụng được thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng; các khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn bị thiệt hại do thiên tai trên diện rộng và tổ chức đầu mối thực hiện liên kết chuỗi giá trị, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan mới được xem xét khoanh nợ.

Cũng theo báo cáo, việc xác định trách nhiệm, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm đã được tiến hành nghiêm túc, quyết liệt. Toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp đều đã được tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra ở các cấp độ khác nhau  để phát hiện các sai phạm, vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật..

Cụ thể, tất cả 12 dự án, doanh nghiệp đều được thanh tra ở các cấp độ Thanh tra Chính phủ, Thanh tra chuyên ngành và Thanh tra của địa phương với tổng số 24 cuộc thanh tra, trong đó có 22 cuộc đã có kết luận thanh tra.

Có 7 dự án đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và đã kết luận kết quả kiểm toán, gồm: 04 dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án nhà máy Bột giấy Phương Nam và Dự án Nhà máy NLSH Bình Phước.

Có 4 dự án, doanh nghiệp đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra (Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ).

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...