Theo dự thảo quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2035 do Bộ Công Thương mới ban hành, đến năm 2020 sản lượng sản xuất gang và sắt xốp sản xuất trong nước sẽ đạt 8 triệu tấn; năm 2025 đạt 15 triệu tấn; năm 2035 đạt 30 triệu tấn gang và sắt xốp.
Sản lượng sản xuất phôi thép đến năm 2020 sẽ đạt sản lượng 18 triệu tấn; năm 2025 đạt 27 triệu tấn; năm 2035 đạt 52 triệu tấn phôi thép. Dự thảo cũng đặt mục tiêu xuất khẩu gang, thép các loại đến năm 2020 đạt 3 triệu tấn; năm 2025 đạt 4 triệu tấn; năm 2035 đạt 6 triệu tấn gang và thép các loại.
Trong dự thảo quy hoạch, Bộ Công Thương ưu tiên phát triển sản xuất thép tập trung ở vùng ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực; Ưu tiên phát triển sản xuất thép tại vùng miền núi, nơi có các mỏ sắt trữ lượng đủ lớn để đầu tư nhà máy sản xuất thép khép kín với công nghệ tiên tiến và quy mô thích hợp. Đồng thời, hạn chế phát triển sản xuất thép tại khu vực đồng bằng, nơi đông dân cư và quỹ đất dành cho an ninh lương thực.
Dự thảo cũng quy định các dự án thép phải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại với suất tiêu hao nguyên liệu, điện năng thấp, đảm bảo các yêu cầu về phát thải, thân thiện với môi trường, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với khí thải. Các dự án cần xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về công nghệ, thiết bị, suất tiêu hao năng lượng cho sản xuất gang, thép…
Tổng công suất thiết kế của các nhà máy mới và đầu tư mở rộng đạt 56,1 triệu tấn gang xốp, 30,5 triệu tấn phôi thép vuông và 30,5 triệu tấn phôi thép dẹt.
Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam yêu cầu đặc biệt hạn chế, giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường. Các dự án đầu tư mới phải trang bị công nghệ tiên tiến để kiểm soát ô nhiễm và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; Kiểm soát chặt chẽ khí thải, nước thải, bụi… tại các cơ sở sản xuất gang, thép, giám định việc nhập khẩu thiết bị luyện kim đã qua sử dụng…
Trong giai đoạn này, Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về môi trường đối với ngành thép, nâng cao năng lực và hiệu quả của các hoạt động quản lý chất phế thải; nghiên cứu và áp dụng công nghệ tái chế các chất phế thải rắn, bụi nặng, khí thải được thải ra trong quá trình sản xuất gang, thép;
Trong đó sẽ kiểm soát chặt chẽ phế liệu kim loại cho sản xuất luyện kim, không nhập khẩu thiết bị luyện kim đã qua sử dụng; Tăng cường quản lý và thể chế hoá pháp luật về bảo vệ môi trường. Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
"Dự thảo quy hoạch cũng cho biết, trong danh mục phát triển các dự án thép, ngoài danh mục các dự án sản xuất gang và phôi thép đang hoạt động sẽ đầu tư phát triển các dự án mới và đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2015 – 2035.
Trong đó, vùng Trung du miền núi phía Bắc sẽ mở rộng gang thép Thái Nguyên; Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ đầu tư 9 dự án thép, chủ yếu là phát triển giai đoạn 2, giai đoạn 3 các dự án thép đã có như Liên hợp gang thép Nghi Sơn; Khu Liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận…
Các nhà máy xây dựng riêng trong giai đoạn 2015-2020 tại khu vực miền núi phía Bắc sẽ có 7 dự án nhà máy. Vùng Đồng bằng sông Hồng có 4 nhà máy; Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung có 8 nhà máy và Vùng Đông Nam Bộ sẽ có 3 nhà máy. Các dự án cũng sẽ bao gồm việc đầu tư phát triển giai đoạn 2, 3 của các Liên hợp thép Vũng Áng Formosa, thép Quảng Ngãi; Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.
Theo dự thảo quy hoạch, tổng công suất thiết kế của các nhà máy mới và đầu tư mở rộng đạt 56,1 triệu tấn gang xốp, 30,5 triệu tấn phôi thép vuông và 30,5 triệu tấn phôi thép dẹt.
Theo VOV NEWS
>> Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen: “Ngu gì không làm thép”