Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với tỷ lệ lần lượt là 87,63% và 91,28%.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống; khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp…
Đối với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), chủ tịch Quốc hội cho rằng với các nội dung được sửa đổi, bổ sung rất căn bản, toàn diện và đồng bộ, Luật Các tổ chức tín dụng sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ông Huệ đề nghị Chính phủ chú trọng công tác tổ chức, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành; khẩn trương nghiên cứu, tiếp tục đề xuất hoàn thiện pháp luật về ngân hàng nhà nước, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và pháp luật có liên quan để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc thực hiện các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Đánh giá về việc hai dự luật được thông qua và thời điểm này, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cho rằng, Luật đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là hai dự luật rất quan trọng, mất nhiều thời gian để chuẩn bị, Quốc hội đã phải quyết định lùi thời gian để thông qua hai luật này.
“Thế nên, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp bất thường vào đầu năm 2024 thông qua hai luật này, tôi thấy rất vui. Bởi vì tôi cũng như các đại biểu Quốc hội khác và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đều rất là quan tâm đến vấn đề này. Và đây cũng là tín hiệu rất tích cực, tốt đẹp cho năm 2024 trong hoạt động lập pháp của Quốc hội”, vị đại biểu bày tỏ.
Luật đất đai (sửa đổi) thông qua sẽ tạo cú hích cho thị trường bất động sản và môi trường đầu tư kinh doanh, các nhà đầu tư cũng rất là hy vọng khi xác định phù hợp thì nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ vào Việt Nam.
Còn Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), qua dự luật hiện nay đã đảm bảo được sự an toàn của hệ thống. Đồng thời, phòng ngừa được những hiện tượng gây khó khăn hoặc lừa đảo đối người đi vay tiền và người đi thu tiền.
Còn về việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn thi hành luật, đại biểu Hải Dũng nghĩ rằng rất phù hợp. Thực tế tại báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhắc đến việc trong quá trình tổ chức thực hiện thì Chính phủ phải quan tâm theo dõi, giám sát chặt chẽ và tổ chức, cụ thể như định giá đất. Điều này giúp thể hóa hơn và có thể chi tiết hơn trong việc thực hiện hai điều luật.
Theo ông Dũng, hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang hội nhập quốc tế rất sâu rộng, uy tín và vị thế nước ta trên trường quốc tế cũng rất cao. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đang tham gia diễn đàn WEF và những cuộc toạ đàm, hội thảo và dư luận thế giới đánh giá rất cao. Vì vậy, môi trường đảm bảo cho môi trường, các tổ chức tín dụng trong nước hoạt động ổn định, bình thường, an toàn.
Bên cạnh đó, chế độ chính sách đối với đất đai cho tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuê đất được Nhà nước giao đất là những sự thay đổi về chính sách.
Những sự thay đổi này sẽ tạo điều kiện và nâng cao sự hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đối với lại với doanh nghiệp và nếu nói riêng là đối với vốn đầu tư nước ngoài.
“Tôi hy vọng rằng là Luật đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút được nhiều nhà, lượng đầu tư hơn nữa vào Việt Nam”, đại biểu đoàn Nam Định cho hay.
Bày tỏ cảm xúc khi hai dự luật được thông qua, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội, cho biết, trước hết, kỳ họp bất thường này hết sức quan trọng. Để tiến tới kỳ họp, công tác chuẩn bị phải hết sức chu đáo và dân chủ. Việc chỉ sửa hai điều luật đã tập trung rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý và đông đảo cử tri nhân dân tham gia.
“Từ những ý kiến đó, trong các kỳ họp trước đây cũng như lần này, chúng ta chắt lọc lại và thống nhất những điểm đang còn có những ý kiến khác nhau. Những điểm rất khó đi vào cuộc sống, qua kỳ họp này chúng ta đã thống nhất rất tốt” ông Cừ nêu quan điểm.