Các giao dịch bí mật và tài sản ẩn của một số người giàu nhất và quyền lực nhất thế giới đã bị tiết lộ trong kho dữ liệu nước ngoài bị rò rỉ lớn nhất trong lịch sử.
Được gắn nhãn hiệu “hồ sơ Pandora”, bộ nhớ cache bao gồm 11,9 triệu tệp tin từ các công ty được các khách hàng giàu có thuê để đầu tư và tạo quỹ tín thác ở các “thiên đường thuế” như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ và Quần đảo Cayman.
Các hồ sơ đã bị rò rỉ được Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) ở Washington nắm giữ. Hiệp hội đã chia sẻ quyền truy cập vào dữ liệu với một số đối tác truyền thông bao gồm The Guardian, BBC Panorama, Le Monde và Washington Post. Hơn 600 nhà báo đã sàng lọc các hồ sơ như một phần của cuộc điều tra quy mô toàn cầu.
Hồ sơ Pandora vạch trần những “công việc bên ngoài” của 35 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả tổng thống, thủ tướng và nguyên thủ quốc gia đương nhiệm và cựu tổng thống. Hồ sơ cũng làm sáng tỏ nguồn tài chính bí mật của hơn 300 quan chức nhà nước khác như bộ trưởng chính phủ, thẩm phán, thị trưởng và tướng lĩnh quân đội ở hơn 90 quốc gia.
Sau hơn 18 tháng phân tích dữ liệu, tờ The Guardian và các phương tiện truyền thông khác sẽ dần công bố chi tiết hơn những phát hiện của họ trong những ngày tới, bắt đầu với các vấn đề tài chính nước ngoài của một số nhà lãnh đạo chính trị quyền lực nhất thế giới.
Danh sách này bao gồm người cai trị Jordan, Vua Abdullah II - người mà theo các tài liệu cho thấy - đã tích lũy được một khối tài sản bí mật trị giá 100 triệu USD trải dài khắp Malibu, Washington và London. Nhà vua Jordan từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể nhưng nói rằng chẳng có gì sai khi ông sở hữu tài sản thông qua các công ty nước ngoài. Jordan dường như đã chặn trang website của ICIJ vào 3/10, vài giờ trước khi báo cáo của Pandora được công bố.
Các hồ sơ cũng cho thấy gia đình Aliyev cầm quyền của Azerbaijan đã giao dịch gần 400 triệu bảng Anh bất động sản ở Anh Quốc trong những năm gần đây. Đại diện phía gia đình Aliyevs từ chối bình luận.
Các tài liệu Pandora cũng đe dọa sẽ gây ra những xáo trộn chính trị đối với hai nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu. Thủ tướng Cộng hòa Séc, Andrej Babiš - người tham gia tranh cử tuần này - đang phải đối mặt với câu hỏi tại sao ông lại sử dụng một công ty đầu tư ra nước ngoài để mua lại một lâu đài 22 triệu USD ở miền nam nước Pháp. Ông Babiš cũng đã từ chối bình luận.
Và tại Síp, TT Nicos Anastasiades có thể sẽ bị yêu cầu giải thích lý do tại sao một công ty luật do ông thành lập lại bị cáo buộc che giấu tài sản của một tỷ phú Nga. Công ty phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, trong khi tổng thống Síp nói rằng ông không còn tham gia nhiều vào các vấn đề của công ty sau khi trở thành lãnh đạo.
Tuy nhiên, không phải tất cả những ai có tên trong hồ sơ đều bị lên án bởi việc làm sai trái. Trong một số báo cáo có tiết lộ rằng gia đình cựu Thủ tướng Anh Tony và Cherie Blair đã tiết kiệm được 312.000 bảng tiền thuế bất động sản khi họ mua một tòa nhà ở London thuộc sở hữu của gia đình một bộ trưởng nổi tiếng người Bahrain. Cựu thủ tướng và vợ đã mua văn phòng trị giá 6,5 triệu bảng ở Marylebone thông qua việc mua lại công ty British Virgin Islands (BVI). Mặc dù động thái này không phải là bất hợp pháp và không có bằng chứng cho thấy ông Blairs chủ động tìm cách trốn thuế tài sản, nhưng thỏa thuận đã cho thấy một “điểm mờ” giúp các chủ sở hữu bất động sản giàu có không phải trả một khoản thuế phổ biến đối với người Anh bình thường.
Các hồ sơ bị rò rỉ minh họa một cách sinh động vai trò khá trung tâm của London. Thủ đô của Vương quốc Anh là nơi đặt trụ sở của vô số các nhà quản lý tài sản, công ty luật, đại lý thành lập công ty và kế toán. Tất cả đều tồn tại để phục vụ những khách hàng siêu giàu.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, người được bầu vào năm 2019 với cam kết làm sạch nền kinh tế tham nhũng khét tiếng, chịu ảnh hưởng của giới tài phiệt, cũng có tên trong vụ rò rỉ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Zelenskiy đã chuyển 25% cổ phần của mình trong một công ty nước ngoài cho một người bạn thân - hiện đang làm cố vấn hàng đầu của tổng thống, hồ sơ cho thấy. Ông Zelenskiy từ chối bình luận về vấn đề này.
Tổng thống Nga, Vladimir Putin, người mà chính phủ Mỹ luôn nghi ngờ có tài sản bí mật, không có tên trong hồ sơ. Nhưng có nhiều cộng sự thân cận và người quen của TT Nga có mặt trong các báo cáo.
Ngoài các nhà cầm quyền, có hơn 100 tỷ phú có liên quan đến các dữ liệu bị rò rỉ, cũng như những ngôi sao nổi tiếng và các “ông trùm” doanh nghiệp lớn. Nguồn dữ liệu cho thấy, nhiều người sử dụng các công ty vỏ bọc để lưu giữ các tài sản xa xỉ như du thuyền, các tài khoản ngân hàng ẩn danh hay thậm chí là các cổ vật Campuchia từng bị đánh cắp cho đến các bức tranh của Picasso và Banksy.
Bản thân việc thiết lập hoặc thu lợi từ các tổ chức nước ngoài không phải là bất hợp pháp và trong một số trường hợp, cá nhân có thể có lý do chính đáng, chẳng hạn như vấn đề an ninh, để làm như vậy. Nhưng các thiên đường thuế đôi khi lại là một bí mật vô cùng hấp dẫn đối với những kẻ trốn thuế, gian lận và rửa tiền, với một số đã bị lộ trong hồ sơ.
Các cá nhân và công ty giàu có khác cất giữ tài sản của họ ra nước ngoài để tránh nộp thuế ở những nơi khác, một hoạt động tuy hợp pháp nhưng ước tính khiến chính phủ mất hàng tỷ USD doanh thu.