Tại tòa, HĐXX nhận định căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, phần tranh tụng công khai tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, lời khai của các bị cáo phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ. Các bị cáo vì tin tưởng Lê Nguyễn Hưng đã thực hiện không đúng các quy định về quy chế của ngân hàng, tạo điều kiện cho Lê Nguyễn Hưng lợi dụng rút tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống Eximbank .
Vì vậy, tòa cho rằng đã đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo khoản 3 Điều 179 BLHS 2015 như cáo trạng của VKS.
Tuy nhiên, HĐXX cũng xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, tích cực hợp tác với CQĐT. Đối với bị cáo Thủy, Phương, gia đình có công với cách mạng; các bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, là lao động chính trong gia đình...
Từ đó, HĐXX sơ thẩm kết luận 6 bị cáo cùng phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" và tuyên phạt: Hồ Ngọc Thủy, cựu giao dịch viên Phòng Dịch vụ khách hàng cá nhân (DVKHCN), 4 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Thị Ngọc Trâm, nguyên giao dịch viên Phòng DVKHCN và Nguyễn Thị Thi, cựu kiểm soát viên Phòng DVKHCN, mỗi người 3 năm tù cho hưởng án treo; Trần Nguyễn Xuân Lan, nguyên giao dịch viên Phòng DVKHCN, 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo; Cao Lan Phương, cựu phó trưởng Phòng DVKHCN và Lương Quốc Anh, nguyên nhân viên ngân quỹ, mỗi người 2 năm tù cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm nhận định người chiếm đoạt toàn bộ số tiền thiệt hại là Lê Nguyễn Hưng (SN 1971, làm việc tại Eximbank TP HCM). Do đó, ông này phải có trách nhiệm khắc phục thiệt hại ngân hàng gánh chịu. Tuy nhiên, ông Hưng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra, ra quyết định truy nã. Trách nhiệm đền bù thiệt hại trong vụ án sẽ được xử lý khi cơ quan chức năng tìm thấy thủ phạm, điều tra và đưa ra xét xử.
Ngân hàng có trách nhiệm trả lại bà Chu Thị Bình (khách hàng bị mất tiền) số tiền trong 3 sổ tiết kiệm (gốc và lãi) của bà gửi tại Eximbank.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2012 đến tháng 3/2017, Lê Nguyễn Hưng (SN 1971, nguyên phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM) giả mạo chữ ký của chủ tài khoản để lập tài khoản giả mạo mang tên Nguyễn Thị Hồng Lê; lập giấy ủy quyền giả mạo việc bà Chu Thị Bình ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Đăng Phong để rút tiền của Ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP.HCM liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình, Phùng Thị Phẩm và Lê Thị Minh Quí.
Đồng thời, Hưng gian dối để tạo sự tin tưởng cho các nhân viên là các bị cáo Thủy, Thi, Trâm, Lan, Phương và Anh là người có trách nhiệm trong việc lập giấy ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và chi tiền mặt... tạo điều kiện cho Hưng chiếm đoạt tiền của Eximbank Chi nhánh TP.HCM tổng cộng hơn 264 tỉ đồng.
Các bị cáo Thủy, Thi, Trâm, Lan, Phương và Anh đã tin tưởng Hưng mà thiếu trách nhiệm khi thực hiện không đúng các quy định trên tạo điều kiện cho Hưng lợi dụng rút tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống Eximbank.
Đối với hành vi của Hưng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng do Hưng bỏ trốn, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. VKS đề nghị xử phạt Thủy từ năm năm đến sáu năm tù; các bị cáo còn lại từ hai năm đến ba năm tù nhưng cho hưởng án treo. Các luật sư bào chữa cho các bị cáo đều đồng tình về tội danh, chỉ xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.