Tại buổi họp báo, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội hoàn toàn có đủ điều kiện tổ chức đường đua F1 vào năm 2020 và thực tế, các chuyên gia của F1 đã kiểm định nhiều lần.
Ông Chung cho biết, thời điểm tổ chức chặng đua vào trung tuần tháng 4/2020 và đơn vị được giao ký hợp đồng 10 năm với F1, gia hạn hợp đồng vào năm thứ 8.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết: "Hà Nội chính thức là nước thứ 22 đăng cai giải đua xe F1, cuộc đua công thức 1 – F1 luôn được xem là vua của mọi giải đua xe, luôn chứa đựng nhiều cuốn hút".
Ông Động cho hay, chặng đua trên đường phố Hà Nội diễn ra trong vòng 4 tiếng. Cấu trúc của đường đua này dài 5,565km.
“Việc đăng cai tổ chức giải đua xe F1 tại Hà Nội khác với việc đăng cai Seagames, Asiad, Olympic hoặc các giải bóng đá. TP Hà Nội chỉ là đơn vị đăng cai, hỗ trợ Công ty Grand Rrix Việt Nam đứng ra tổ chức”, ông Động nói.
Tại họp báo, Chủ tịch Tập đoàn F1 Chase Carey, đã bày tỏ sự vui mừng chào đón Hà Nội tham gia giải đua F1 và đặt mục tiêu sẽ tổ chức giải đua ở các TP năng động nhất thế giới.
"Chúng tôi gọi đây là những thành phố, đất nước điểm đến và làm sao thu hút người dân ở các nơi này theo dõi cuộc đua. Với Hà Nội, Việt Nam đứng đầu danh sách này", ông nói.
Ông cho biết, bên cạnh việc thu hút người hâm mộ thì đơn vị cũng đảm bảo cuộc đua đảm bảo chất lượng tốt nhất.
"Mặc dù đường đua là trái tim của mọi hoạt động nhưng chúng tôi muốn có nhiều hoạt động khác để người dân tham gia vào. Với sự kiện kéo dài 7 ngày nên chúng tôi mong mọi người dân có thể tham gia và đây sẽ là môn thể thao dành cho mọi người", ông Chase Carey bày tỏ.
Chủ tịch Tập đoàn F1 nhấn mạnh, việc tổ chức đường đua, giải đua rất phức tạp và ông đánh giá cao sự hợp tác, phối hợp của Hà Nội. "Chúng tôi rất vui mừng khi hợp tác với Hà Nội. Chúng tôi mong đây là sự hợp tác lâu dài để đưa Hà Nội đến với thế giới và thế giới đến với Hà Nội", ông bày tỏ.
Grand Prix Việt Nam chi trả toàn bộ phí đăng cai giải đua F1 tại Hà Nội
Theo UBND TP Hà Nội, Công ty Grand Prix Việt Nam là đầu mối đứng ra tổ chức độc quyền sự kiện chặng đua xe F1, phí đăng cai do Công ty này chi trả cho F1.
UBND TP Hà Nội cho biết, qua kết quả khảo sát, đánh giá toàn diện phương án địa điểm tổ chức giải đua xe F1 do các chuyên gia của F1 cho thấy, khu vực Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình là nơi có sẵn một số cơ sở hạ tầng phục vụ cho thể thao, là phương án phù hợp, tối ưu để tổ chức giải đua, điều kiện để bổ sung cho giải đua nên có chi phí thấp khi đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho giải đua,
Ngoài việc đảm bảo tổ chức các sự kiện thể thao quy mô quốc gia, quốc tế, khu vự Mỹ Đình có hạ tầng giao thông đã được xây dựng tương đối đầy đủ và phù hợp với giải đua F1. Do đó, các chuyên gia kỹ thuật F1 đồng ý lựa chọn.
Theo tính toán của F1, với sơ đồ thiết kế hướng tuyến đường đua hiện nay, đường đua Hà Nội – Việt Nam được triển khai sẽ trở thành một phần trong hệ thống giải đua xe F1 vô địch thế giới và là đường đua thứ 3 đua trên đường phố.
UBND TP Hà Nội nêu rõ, các trục giao thông đô thị lớn như Lê Đức Thọ, Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì và các đường nội bộ trong khu vực sẽ được tận dụng tối đa và khoa học, hoàn toàn đảm bảo an ninh an toàn và giao thông thông suốt trong toàn bộ thời gian chuẩn bị, tổ chức giải đua.
Theo tính toán của việc UBND TP Hà Nội, việc tổ chức giải đua yêu cầu phải ngăn đường, do đó, dự kiến sẽ có tác động đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân trong 4 – 5 ngày trước và trong giải đua.
Giải đua xe công thức 1 (Formula One - F1) có nguồn gốc từ giải vô địch Grand Prix châu Âu diễn ra vào những năm 1920 và 1930. Năm 1946, luật chơi được chuẩn hóa bởi Liên đoàn đua xe thế giới (FIA). Tên công thức 1 đề cập đến bộ quy tắc mà tất cả đội tham gia phải tuân thủ, ban đầu được gọi là công thức A. Cuộc đua vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức năm 1950 tại Silverstone (Anh). Trong số 21 quốc gia đăng cai tổ chức giải công thức 1 năm 2018, có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á. Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên tổ chức cuộc đua công thức 1. Sau hai mùa giải 1976 và 1977, Nhật Bản ngưng tổ chức và trở lại vào năm 1987. Năm quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại là Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Macau và Bahrain. |