Giao đất đặc khu 99 năm: Sao phải ưu đãi hết nấc?

Chuyên gia ví von, việc giao đất ở đặc khu lên tới 99 năm không khác gì hành động cắt thịt mình dâng cho nhà đầu tư.
Giao đất đặc khu 99 năm: Sao phải ưu đãi hết nấc?

Liên quan đến dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, nhiều ĐBQH đã bày tỏ lo ngại về việc quy định thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm như trong dự thảo luật và cho rằng 99 năm là quá dài so với chu kỳ thu hồi vốn của hoạt động sản xuất, kinh doanh và có thể bất lợi cho Nhà nước. Có đại biểu từng đặt dấu hỏi về chuyện cấp đất tới 99 năm liệu có quá dễ dãi với nhà đầu tư, khác nào cho không đất.

Chia sẻ với những lo ngại trên của các ĐBQH, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cũng cho rằng, thời hạn giao đất tới 99 năm là quá dài.

Lý do ông đưa ra là một chu kỳ sản xuất kinh doanh dài lắm cũng chỉ 50 năm, do đó, thời hạn giao đất ưu đãi tốt nhất vẫn nên là 50-70 năm, tùy vào loại hình kinh doanh. Thứ hai, Việt Nam muốn tạo điểm nhấn là ưu đãi hết cỡ cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cái nhà đầu tư cần nhất không phải là ưu đãi mà là môi trường kinh doanh thuận lợi.

"Không cần và không thể giao đất ưu đãi vượt khung quá xa so với mặt bằng chung của quốc gia. Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, thời hạn giao đất tối đa là 70 năm và đặc khu cũng cần tuân thủ theo khung đó.

Còn với đề xuất giao đất cho nhà đầu tư ở đặc khu tới 99 năm chẳng khác nào một kiểu chính mình cắt thịt mình để dâng cho nhà đầu tư.

Trước nay, cách quản lý nhà nước Việt Nam ở Trung ương cũng như các tỉnh là đẩy ưu đãi lên hết nấc, ưu đãi thuế, đất đai, tài nguyên cho thật nhiều nhưng tư duy ấy không đúng.

Suy nghĩ người kinh doanh trông chờ ưu đãi, càng ưu đãi nhiều thì nhà đầu tư càng vào, đó là tư duy của thời bao cấp. Nhà đầu tư không sống nhờ các ưu đãi mà quan trọng nhất là họ cần môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và lành mạnh. Nếu vẫn giữ tư duy cũ, cách làm cũ thì nhà đầu tư chỉ vào để hưởng hết ưu đãi rồi họ ra đi.

Việt Nam đã có nhiều bài học, mà trường hợp của Metro và BigC là ví dụ điển hình. Nhà đầu tư nước ngoài tận dụng, "ăn" hết ưu đãi về thuế rồi rút vốn đầu tư, cuốn gói khỏi thị trường Việt Nam mà chúng ta không thể làm gì. Tương tự, nhà sản xuất ô tô Toyota dù nhận rất nhiều ưu đãi đã nhiều lần dậm dọa rời khỏi Việt Nam khi thuế nhập khẩu về 0%.

Đáng lý ra Nhà nước phải cải thiện môi trường kinh doanh, ở đó nhà quản lý không được nhũng nhiễu doanh nghiệp, bộ máy hành chính đúng nghĩa là bộ máy dịch vụ, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đó mới là thứ nhà đầu tư cần để gắn bó lâu dài với đất nước này", PGS.TS Nguyễn Văn Nam khẳng định.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại bày tỏ lo ngại khi Việt Nam cứ muốn đưa ra những ưu đãi hết nấc cho nhà đầu tư trong khi cơ chế quản lý quyền lực ở các đặc khu đến nay còn chưa được quyết định rõ ràng.

"Tư tưởng gốc là bộ máy ở đặc khu phải được quyền, điều đó đúng vì không thể động cái gì cũng phải báo cáo cấp trên, tuy nhiên quyền đó giao cho một người hay một ủy ban, việc đó phải tính kỹ.

Ở Việt Nam có người nào đủ năng lực và phẩm chất để đảm đương việc đó chưa? Con người ấy trong xã hội có thể có nhưng cung cách, cơ chế chính sách để chọn người của Việt Nam chưa chuẩn, vẫn kiểu tùy ý lãnh đạo - thích ai thì mô tả người đó đủ điều kiện để làm.

Cho nên, nếu giao toàn quyền cho một trưởng đặc khu, mà đó lại là con ông cháu cha, thiếu năng lực thì cuối cùng rủi ro, nguy hại hơn nhiều.

Không cần đến một ủy ban, hội đồng cồng kềnh. Chỉ cần một ủy ban nhỏ gọn, độ 5-10 người, mà ủy ban ấy không phải tự chọn hay con ông cháu cha mà phải là các chuyên gia đầu ngành từng trải và bản lĩnh.

Khi chúng ta chưa hoàn thiện về cơ chế, chính sách... mà mở cửa cho nhà đầu tư vào thì chúng ta sẽ thiệt trước, mỗi nơi vận dụng một kiểu. Do đó, chính mình phải hoàn thiện mình trước rồi mới mở cửa", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Từ những phân tích ở trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, điều các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần bàn bây giờ không phải là ưu đãi cái gì, ưu đãi bao nhiêu cho nhà đầu tư mà là môi trường kinh doanh. Chính sách trong đặc khu phải tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, linh hoạt, chính môi trường kinh doanh ấy mới là thứ có sức lan tỏa ra cả nước, còn nếu nhân rộng ưu đãi ra cả nước thì Nhà nước sẽ chẳng thu được gì.

"Ưu đãi càng dài càng không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ là việc anh cắt thịt mình ra dâng cho nhà đầu tư. Hơn nữa, ưu đãi là vô nghĩa nếu để mặc môi trường nham nhở, bộ máy hành chính nhũng nhiễu.

Việc cần làm bây giờ là phải thảo luận xem môi trường, chính sách gì của Việt Nam đang vướng khiến doanh nghiệp ngại đầu tư.

Chẳng hạn, liên quan đến đất đai, chính sách hạn điền, thị trường đất đai chưa hình thành... là thứ gây cản trở, cần phải thay đổi thị trường chứ không phải là giao đất mấy chục năm. Lao động tay nghề kém, không qua đào tạo thì phải đào tạo. Thủ tục hành chính rườm ra thì phải đơn giản thủ tục hành chính...

Tóm lại, cần xem lại tư duy mục tiêu xây dựng đặc khu để làm gì? Để thí điểm một chính sách mới, một môi trường kinh doanh mới, chứ không phải ở đó dâng cho đối tác, nhà đầu tư càng nhiều lợi ích càng tốt", PGS.TS Nguyễn Văn Nam kết luận.

 Theo Thành Luân/Báo Đất Việt

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...