Theo đơn kháng cáo, Grab đề nghị tòa phúc thẩm xem xét hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án, bởi Tòa án nhân dân TP. HCM đã đưa ra bản án vượt quá phạm vi khởi kiện yêu cầu bồi thường; không triệu tập nhân chứng tham dự các phiên xử theo yêu cầu của họ...
Phía Grab khẳng định không vi phạm với Vinasun. Nếu tòa phúc thẩm không đình chỉ thì phải sửa án sơ thẩm, xác định Grab không vi phạm pháp luật và bác toàn bộ yêu cầu của Vinasun. Nguyên đơn cũng không chứng minh được thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab với thiệt hại (nếu có) của Vinasun.
Đại diện Grab cho rằng, bản án sơ thẩm đã đi ngược với mục tiêu theo đuổi định hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số của Chính phủ Việt Nam.
“Bản án này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp truyền thống khác, gián tiếp khuyến khích họ tìm lối thoát dễ dàng và duy trì tình trạng trì trệ bằng cách kiện các đối thủ, thay vì cần liên tục đổi mới, ứng dụng công nghệ để duy trì ưu thế cạnh tranh”, đại diện Grab nói.
Trước đó, ngày 28/12/2019, Hội đồng xét xử nhận định Grab vị phạm Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô, Đề án 24, Luật Thương mại,... Bởi Grab chỉ được phép cung ứng dịch vụ kết nối nhưng lại trực tiếp kinh doanh vận tải taxi. Đây là hành vi có lỗi của Grab, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật.
Hội đồng xét xử nhận thấy có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun; có sự sụt giảm doanh thu của Vinasun do Grab. Tuy nhiên, đối với phần giảm giá trị vốn hóa của Vinasun, tòa nhận thấy sự sụt giảm đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể tách biệt giữa phần nào do Grab gây ra, phần nào do yếu tố khác.
Do đó, Hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng; bác bỏ yêu cầu đòi Grab 36,3 tỷ đồng.