Sáng 10/7, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội đã chính thức thông qua Nghị quyết ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố (đợt 1). Đây là bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa Luật Thủ đô 2024 và chiến lược phát triển không gian ngầm trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và quỹ đất mặt đất ngày càng hạn chế.
Theo Nghị quyết, Hà Nội khuyến khích đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị (metro) với tổng chiều dài khoảng 320,25km, gồm 191 nhà ga, trong đó có 81,2km đi ngầm và 68 ga ngầm.
Cụ thể gồm các tuyến: Tuyến số 2 (Nội Bài – Thượng Đình – Hà Đông); tuyến số 2A (Cát Linh – Hà Đông); tuyến số 3 (Trôi – Nhổn – Yên Sở); tuyến số 4 (Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà); tuyến số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc); tuyến số 6 (Nội Bài – Ngọc Hồi); tuyến số 7 (Mê Linh – Hà Đông); tuyến số 8 (Sơn Đồng – Dương Xá).
Đây là các tuyến metro giữ vai trò then chốt trong hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô, giúp kết nối liên khu vực, giảm áp lực cho giao thông mặt đất và từng bước hình thành mạng lưới metro hiện đại.
Ngoài metro, Hà Nội cũng khuyến khích đầu tư 85 công trình ngầm khác, bao gồm: 5 hầm chui giao thông, 78 bãi đỗ xe ngầm, 2 công trình công cộng ngầm; cùng với 95 tuyến phố thực hiện hạ ngầm hệ thống dây điện, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật dùng chung.
Trình bày tờ trình tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: Khu vực nội đô lịch sử và mở rộng hiện nay đã “gần như khai thác tối đa” với mật độ dân cư và giao thông cao, không còn nhiều dư địa để mở rộng mặt đất.
Mạng lưới hạ tầng kỹ thuật chôn như cấp - thoát nước, điện, viễn thông… vẫn còn phân tán và thiếu đồng bộ. Trong khi đó, giải phóng mặt bằng để mở rộng đường bộ thường tốn kém, phức tạp và kéo dài.
“Không gian ngầm cần được đa dạng hóa chức năng: từ giao thông ngầm (metro, hầm đi bộ, hầm cơ giới), bãi đỗ xe ngầm đến trung tâm thương mại, văn hóa và các dịch vụ công cộng dưới lòng đất… Đây là hướng đi tối ưu để phát triển Thủ đô hiện đại, thông minh, bền vững”, ông Tuấn khẳng định.
Báo cáo thẩm tra, Trưởng ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Đàm Văn Huân cho biết, việc ban hành Nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển không gian ngầm tại Thủ đô góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng cục bộ, thiếu bãi đỗ xe và công trình công cộng tại khu vực nội đô. Cùng với đó, tạo hành lang pháp lý để kêu gọi đầu tư, đặc biệt là các công trình quy mô lớn, đa chức năng, có tính lan tỏa như metro ngầm, bãi đỗ xe ngầm, trung tâm văn hóa ngầm...
Cũng trong sáng cùng ngày, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa, hình thành các không gian chức năng tại khu phố, tuyến phố, làng nghề hoặc điểm dân cư nông thôn hiện hữu để thúc đẩy các hoạt động thương mại, văn hóa, du lịch và bảo tồn di sản.
Các khu này sẽ được ưu tiên phát triển tại những khu vực có lợi thế về vị trí thương mại - văn hóa, đặc biệt là những khu vực định hướng phát triển theo mô hình TOD (Transit Oriented Development - đô thị nén quanh giao thông công cộng).Việc thành lập khu phát triển thương mại - văn hóa phải đáp ứng các điều kiện: có địa điểm cụ thể, có phương án tài chính khả thi và có trên 50% đại diện hộ gia đình, cơ sở kinh doanh đồng thuận tham gia mô hình tự quản
Cùng với đó, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa. Đây sẽ là các không gian thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; cung cấp hạ tầng cho thuê, tổ chức các sự kiện, triển lãm, xúc tiến quảng bá sản phẩm văn hóa Việt Nam trong nước và quốc tế.