Cụ thể, Sở Công Thương Hà Nội đã vận động các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến. Trên địa bàn Hà Nội đã có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đăng ký, dự trữ lương thực thực phẩm, hàng hóa bình ổn trị giá 9.412 tỷ đồng (gấp 2,5 lần so với kế hoạch được giao); trong đó, thịt và thực phẩm chế biến đăng ký dự trữ đảm bảo theo nhu cầu.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội sản lượng thịt trâu, bò, thịt gia cầm, thủy sản cũng tăng từ 1,5 - 4,5% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Hà Nội còn chủ động phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khác có sản lượng chăn nuôi thịt lợn cao, ít bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi để doanh nghiệp kết nối và đảm bảo nguồn cung tại hệ thống… Do đó, tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến khó có thể xảy ra.
Tại hệ thống siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Hà Nội hiện có các loại thịt nhập khẩu như thịt bò Úc, Mỹ hay thịt gà Mỹ, Hàn Quốc… được bày bán nhiều với giá không quá đắt.
Cụ thể, thịt bò Úc được bán với giá dao động từ 170.000 - 355.000 đồng/kg (rẻ hơn thịt bò nội 10.000 - 15.000 đồng/kg); thịt lợn nhập khẩu Brazil, Ba Lan, Bỉ giá chỉ từ 50.000 - 80.000 đồng/kg (rẻ hơn thịt lợn nội địa từ 20.000 - 50.000 đồng/kg)…
Đặc biệt, thịt gà Mỹ đông lạnh nguyên con, đùi gà được bán với giá từ 32.000 - 60.000 đồng/kg; gà dai Hàn Quốc loại 1kg/con giá 54.000 đồng. Trong khi đó, tại chợ truyền thống, giá gà tam hoàng 70.000 đồng/kg; gà ta 120.000 - 150.000 đồng/kg.
Hiện Sở Công Thương Hà Nội còn đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành cả nước như Hòa Bình, An Giang, Long An, Hà Giang, Quảng Ninh... tổ chức Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi, nông thuỷ sản an toàn, Hội chợ Tết, Đặc sản vùng miền... góp phần bình ổn giá, đưa nông sản các vùng miền đến với người dân Thủ đô, giảm áp lực thiếu hụt thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi.
Hoạt động kết nối cung - cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành đã tạo điều kiện cho nhiều địa phương tiêu thụ nông sản nhưng vẫn bị hạn chế do chất lượng và giá thành sản phẩm chưa ổn định, bảo quản trong quá trình vận chuyển chưa tốt... Bên cạnh đó, các tỉnh, thành chưa có doanh nghiệp đầu mối thu mua để đưa sản phẩm nông sản đảm bảo vào hệ thống siêu thị, nhất là thực phẩm tươi sống. Bởi muốn đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối phải đảm bảo chất lượng, uy tín để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bán lẻ khi tiếp nhận và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.