Hà Nội: Thêm 40 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP

Theo Sở Công Thương Hà Nội, năm 2021, Sở dự kiến tiếp tục khảo sát, lựa chọn và khai trương thêm 40 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mới.
Hà Nội: Thêm 40 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP

Qua đó sẽ hình thành hệ thống chuỗi các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP uy tín, có sức cạnh tranh cao để người tiêu dùng cũng như khách tham quan trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn nữa.

Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP là các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, gồm sản phẩm lụa tơ tằm, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ quả an toàn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố và khu vực.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng nhiều hơn, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị, UBND thành phố Hà Nội trong thời gian tới tiếp tục hỗ trợ kinh phí khảo sát, tuyên truyền, tổ chức lễ khai trương các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, các hoạt động xúc tiến kết nối sản phẩm OCOP với các nhà phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước.

Đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn cho các chủ thể OCOP về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối, các nhà nhập khẩu.

Hiện các văn bản, chính sách về Chương trình OCOP chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ đào tạo công tác quản lý Chương trình OCOP, quản lý sản xuất kinh doanh, đánh giá và xếp hạng sản phẩm, quảng cáo tiếp thị sản phẩm, thiết kế mẫu mã sản phẩm OCOP, thiết kế biển hiệu điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm…, chưa có cơ chế cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại các địa phương. Do đó. việc triển khai các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP là hết sức khó khăn.

Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOp tại địa phương từ ngân sách Trung ương và địa phương. Đó là, hỗ trợ lắp đặt biển hiệu nhận diện, giá kệ trong cửa hàng, hỗ trợ công tác tuyên truyền, thành lập các chuỗi điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, hỗ trợ vận hành và duy trì điểm bán. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ hệ thống mạng lưới quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế.

Được biết, trong năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội đã lựa chọn và khai trương đưa vào hoạt động được 14 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên toàn thành phố, gồm điểm quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tại địa chỉ 176 Quang Trung, quận Hà Đông; 5 điểm tại quận Hà Đông: Cửa hàng Hợp tác xã Vụn Art, Vạn Phúc; Cửa hàng Cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão, Vạn Phúc; Cửa hàng rau an toàn, chợ Hà Đông; Cửa hàng Xuân Cường Handicraft, Ngô Thì Nhậm, Siêu thị Mega Market Hà Đông; 1 điểm tại thị xã Sơn Tây: Cổng làng Mông Phụ, xã Đường Lâm...

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm