Hàng Việt cạnh tranh kém bởi... bao bì

Nhiều điểm yếu, đặc biệt là về mẫu mã, bao bì đang được cho là một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm hàng hóa của nước ta kém cạnh tranh tại thị trường nước ngoài.
Hàng Việt cạnh tranh kém bởi... bao bì

Đơn điệu, tùy tiện

Thời gian qua, nhiều sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam dù đã đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất hiện tại các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Aeon…, nhưng vẫn chỉ là tiêu thụ trong nước. Để đưa được hàng vào hệ thống phân phối của chính các doanh nghiệp này tại Thái Lan hay Nhật Bản, Hàn Quốc… thì doanh nghiệp Việt còn phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khác từ các nhà phân phối. Một trong những yêu cầu của các nhà bán lẻ là doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn về mẫu mã sản phẩm. Bởi, có thực tế là nhiều sản phẩm Việt bán rất chạy, rất thành công tại các siêu thị trong nước, nhưng khi ra thị trường nước ngoài, thông qua các nhà bán lẻ lại không bán được hàng.

"Cà phê, chè, trái cây sấy khô và nhiều sản phẩm nông sản, thủ công Việt Nam khác đang rất hấp dẫn người tiêu dùng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội nhận định, một trong những lý do khiến thực phẩm, nông sản Việt khó cạnh tranh trên thị trường là mẫu mã, bao bì sản phẩm còn đơn điệu, thiếu sáng tạo, hoặc chưa có tính thẩm mỹ. Chỉ cần dạo một vòng quanh các siêu thị, có thể thấy kiểu dáng, bao bì của hàng Việt thua hàng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong khi đó, tâm lý của người tiêu dùng hiện nay là chọn các sản phẩm có mẫu mã đẹp…

Một dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường quốc tế Business Monitor International cho thấy, thị phần bánh kẹo của doanh nghiệp Việt dường như co lại trước sản phẩm ngoại, dù thị trường bánh kẹo Việt Nam có sức tăng trưởng mạnh, sẽ vào khoảng 40.000 tỷ đồng trong năm 2018. Điểm yếu bao bì, mẫu mã, giá cả, chất lượng chưa cao, thương hiệu còn khiêm tốn của bánh kẹo nội được cho là một trong những nguyên nhân làm kém cạnh tranh trước bánh kẹo ngoại.

Đây cũng là “căn bệnh” chung của nhiều loại thực phẩm Việt hiện nay, nhất là những hạn chế về công nghệ bao bì. Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Hoàng Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hùng Cường cho rằng, bao bì xấu, bất tiện là một trong những điểm yếu của hàng Việt hiện nay dù chất lượng không thua kém hàng ngoại, thậm chí còn vượt trội. Việc thiết kế vẫn còn tùy tiện, sao chép mẫu mã của nước ngoài, thiếu sáng tạo, ấn tượng và thậm chí, chưa có bản sắc riêng.

Thu hút từ cái nhìn đầu tiên

Theo các chuyên gia bán lẻ, một bao bì đẹp sẽ đem lại giá trị truyền thông thương hiệu lớn, trong khi một bao bì xấu sẽ khiến việc quảng bá hình ảnh, truyền thông thương hiệu không có giá trị, không đọng lại trong tâm trí người tiêu dùng. Điều đó càng khiến các khách hàng đánh giá phía doanh nghiệp không đầu tư nghiêm túc trong việc kinh doanh của mình.

Ngoài ra, mẫu mã trên bao bì cũng phải phù hợp với văn hóa tiêu dùng, văn hóa của thị trường xuất khẩu. Điều cốt lõi vẫn là yếu tố thẩm mỹ, bắt mắt, có kiểu dáng đẹp, có hình ảnh, kiểu chữ trình bày gây ấn tượng, thông tin cần thiết trên bao bì. Biết là vậy, nhưng sự bảo thủ, không am hiểu thị hiếu khách hàng đã làm cho hàng Việt bị tụt hậu.

Để bao bì hàng hóa Việt Nam có được sự khác biệt và quảng bá thương hiệu Việt, quảng bá được hình ảnh quốc gia, mỗi sản phẩm khi tham gia thị trường toàn cầu không chỉ mang giá trị công năng và giá trị thẩm mỹ, mà còn phải kết hợp bản sắc văn hóa Việt để người tiêu dùng trong nước, hay ngoài nước đều có thể phân biệt ngay được nét đặc trưng của hàng hóa Việt Nam.

Theo ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Công ty Tổ chức triển lãm thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mặc dù ngành bao bì Việt Nam hiện có mức tăng trưởng 15-20%, nhưng thị phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, nhất là các loại bao bì đòi hỏi chất lượng cao. Điều đáng lo là các doanh nghiệp sản xuất trong nước do nguồn tài chính mỏng nên khó chọn các đối tác nước ngoài trong việc đóng gói bao bì sản phẩm, mà đa phần phải chọn các doanh nghiệp bao bì "nội" có công nghệ cũ, năng lực hạn chế nhưng giá rẻ...

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp Vũ Kim Hạnh cho rằng, giải pháp quan trọng nhất để cạnh tranh với hàng ngoại nói chung là doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối. Để hàng Việt thâm nhập được vào hệ thống phân phối nước ngoài, doanh nghiệp Việt cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để có chỗ đứng trên thị trường, sau đó mới là giá cả. Riêng với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm thì yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm phải được coi trọng. Đặc biệt, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho bao bì, mẫu mã, nhãn mác và dịch vụ sau bán hàng, qua đó mới có thể thuyết phục doanh nghiệp bán lẻ quốc tế ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn.

Theo Hà Nội mới

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...