Hàng xách tay... nội địa

“Hàng xách tay” – 3 từ đó như một tấm vé đảm bảo (một cách tương đối) chất lượng hàng hóa từ nước ngoài (mang theo người) về Việt Nam.
Hàng xách tay... nội địa

“Hàng xách tay” – 3 từ đó như một tấm vé đảm bảo (một cách tương đối) chất lượng hàng hóa từ nước ngoài (mang theo người) về Việt Nam. Nhưng, giờ đây, giữa một rừng thông tin về thực phẩm bẩn, khái niệm hàng xách tay còn để chỉ về các loại rau củ quả, thịt thà cá mú… phục vụ cho bữa ăn gia đình. Gọi tắt và không đầy đủ là hàng xách tay nội địa.

Những bà nội trợ “thần hồn nát thần tính”

Thông tin đại chúng liên tục đưa tin về các ca ngộ độc, bệnh tật – nhất là bệnh ung thư - tăng nhanh. Người ngộ độc thực phẩm - nhẹ nhàng thì cũng tào tháo đuổi, vi khuẩn HP (gây ra bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng) tung hoành trong dạ dày, đường ruột… Nặng hơn thì vào viện cấp cứu, hoặc mắc trọng bệnh dẫn đến hao tốn tiền bạc mà có khi không cứu được mạng sống.

Những hình ảnh ghê rợn như người ăn tiết canh thì bị sán chui vào não. Kẻ chén rau sống thì có tổ sán nằm ngay trên má, đục da ngoe nguẩy chui ra… rồi mỡ bẩn được hớt lên từ cống, mỡ sản xuất từ núi thịt hôi thối… ám ảnh người tiêu dùng. Bà nội trợ vốn đã cả nghĩ, hay lo xa lại càng dễ bị thần hồn nát thần tính, chả biết đúng sai thật giả thế nào… cứ mua hàng rõ nguồn gốc, được xách tay từ quê ra là yên tâm nhất.

"Một bữa ăn có “rau trồng ngoài vườn, gà leo đồi, lợn gặm cỏ…” giờ được gọi là bữa cơm dành cho đại gia.

Tôi cũng là một “bà” trong số đó. Lâu lâu ra chợ lại bị các bà các chị bán hàng hờn trách vì không đến mua hàng của họ. Biết làm sao được! Quý thì quý các chị lắm nhưng rau cỏ thịt thà của các chị, đến chính các chị cũng chẳng biết nó ở đâu chui ra, và được phun tẩm những gì mà thịt thì siêu nạc, rau thì non ngất non ngây, mơn mởn như gái đương thì xuân xanh?!  Có lẽ lâu lắm rồi, tôi ra chợ chỉ để mua vài thứ lặt vặt, dẫu biết chẳng thể đảm bảo 100% nhưng chí ít cũng “bớt tý nào hay tý đó”.

Cẩn thận thế hóa vui đáo để. Tôi tự nhiên hay về thăm quê. Xuýt xoa từ luống rau đến đàn gà tung tăng, trầm trồ bó lúa mới gặt… Người quê vốn thật thà, tình cảm. Thấy tôi thích một, người quê thích mười. Và thế là, (rất tinh tế nhé), quà thành phố bao gồm quần áo đẹp, đồ gia dụng sịn, cốc chén bắt mắt, đĩa nhạc mới… được đổi lấy rau vườn nhà, gà chạy bộ, lợn thả rông, gạo mới… Thi thoảng có người ra thành phố, người quê lại gửi theo rất nhiều thứ mà “bọn trên thành phố rất thích”. Nhưng trên hết, tình cảm giữa người trong gia đình, họ hàng lại nồng ấm, bền chặt theo thời gian.   

Nhà sếp tôi thì khỏi nói: Cá từ Quy Nhơn quê nội, rau từ Hải Dương quê ngoại, gạo từ nhà quen tận Tây Bắc, thịt sạch của một cơ sở cung cấp tận Vĩnh Phúc… chở về. Nhân viên đi xa về gần muốn biếu xén sếp cái gì thì cứ rau củ quả sạch là quý, chẳng cần quà cáp cao sang gì.

Những hình ảnh như thế này khiến các bà nội trợ mất lòng tin vào các loại rau chợ

Bạn bè tôi cũng vậy, phần lớn đều có động thái “phản ứng thị trường” của riêng mình. Nhà cậu đồng nghiệp có bà vợ cẩn thận, toàn mua hải sản tận Côn Đảo. Cách mua của cô ấy cũng đặc biệt, người nhà ra chợ hải sản vào sáng sớm, đón tàu cá từ biển về, truyền hình trực tiếp bằng cách lia smartphone vào các loại cá mú… để cho vợ cậu ấy xem. Đến đoạn nào bắt mắt thì hô Stop! Thế là hải sản được đóng gói, cấp đông, gửi máy bay ra Hà Nội...

Một bữa ăn có “rau trồng ngoài vườn, gà leo đồi, lợn gặm cỏ…” giờ được gọi là bữa cơm dành cho đại gia. Đại gia không phải vì có nhiều tiền mà là đại gia của sự chỉn chu, cầu toàn, sự lo lắng, yêu thương dành cho chồng cho con của các bà nội trợ.

Cơ hội kinh doanh mang thương hiệu “Sạch”

Có một nghịch cảnh đã trở thành bình thường trong mắt mọi người: Bên cạnh chợ hoặc trên các con phố xuất hiện những cửa hàng thực phẩm treo biển “Sạch” được tô đậm. Thời kỳ đầu, những tấm biển “Sạch” kia nó như gai đâm vào mắt các bà các chị bán thực phẩm, từ chợ chính thống đến chợ cóc… nhưng rồi mọi sự lại tuân theo trật tự của nó. Hay nói cách khác, thị trường tự sắp xếp theo nhu cầu người tiêu dùng.

Các cửa hàng thực phẩm sạch xuất hiện trên phố ngày càng nhiều. Thời gian đầu, các cửa hàng này bị rơi vào tình trạng ế ẩm do người tiêu dùng khó phân biệt được thực phẩm sạch và chưa sạch, do người chủ cửa hàng chưa biết đẩy mạnh thương hiệu, tôn vinh sản phẩm của mình, do chưa biết thiết lập hệ thống bán hàng, còn đánh đồng cửa hàng của mình với các quầy thực phẩm bán lẻ khác…

Gần đây, đặc biệt là khi hệ thống cửa hàng tiện lợi VinMart xuất hiện với bộ nhận diện thương hiệu rõ ràng, đẹp mắt dần chiếm niềm tin nơi người tiêu dùng… thì cửa hàng thực phẩm sạch đã có chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng. Ít nhất thì các bà nội trợ có thể yên tâm khi tới mua thực phẩm tại các cửa hàng này. Trong đó có không ít người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam.  

Người Hà Nội lại quay về với mô hình tự cung tự cấp

Cùng với hệ thống cửa hàng Sạch chường mặt trên các con phố và khu dân cư, nhiều bạn trẻ đã có gian hàng online chuyên về thực phẩm sạch, phục vụ các nhóm bạn, khu dân cư… Họ bán hàng chủ yếu bằng niềm tin nơi người tiêu dùng. Hầu hết chủ các trang online này đều “làm ăn được” khi mà mỗi chủ gian hàng đều đã có lượng khách hàng ổn định và đều đặn.

Tuy nhiên, bất chấp sự phát triển của hệ thống cửa hàng sạch và siêu sạch, hàng xách tay nội địa vẫn có vị trí vững chắc của nó. Bởi, không chỉ đảm bảo nguồn gốc, được lựa chọn kỹ càng… hàng xách tay từ các bà nội bà ngoại, từ mẹ chồng, mẹ đẻ, từ anh từ chị đến bạn bè thân hữu… ở các vùng quê lên thành phố còn mang nặng cả tình yêu thương – điều mà chẳng có hệ thống cửa hàng sạch sẽ, khéo bày… nào có được!

Có thể bạn quan tâm