Triều Tiên. Luôn luôn sẵn sàng cho chiến tranh. Chĩa một thanh gươm hạt nhân về phía Mỹ và đồng minh, đe dọa tấn công bất cứ khi nào.
Các phóng viên Will Ripley, Tim Schwarz và Justin Robertson từ CNN hồi tháng 6 có chuyến thăm Triều Tiên trong 15 ngày. Bị chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ, song họ vẫn có thể tiếp cận quốc gia bí hiểm này với một mức độ gần gũi chưa từng thấy, vượt ra khỏi ánh đèn hào nhoáng ở Bình Nhưỡng, đi sâu vào những vùng đất cách xa thành thị Triều Tiên.
Họ nói chuyện với người dân từ mọi tầng lớp xã hội, tìm hiểu thêm về điều gì khiến đất nước này trở nên khép kín, lý do dẫn tới lòng hận thù sâu đậm của họ với Mỹ và vì sao người dân lại dành tình yêu vô điều kiện cho gia tộc họ Kim đến vậy.
Dưới đây là những câu chuyện do Ripley kể trên hành trình khám phá trái tim "vương quốc bí ẩn".
“Cuộc sống ở đây là điều bí ẩn đối với hầu hết thế giới.
Triều Tiên thường khiến người ta nhớ tới bởi những vụ phóng tên lửa, đầu đạn hạt nhân, các cuộc duyệt binh quân sự quy mô và nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un.
Nhưng ở Wonsan, thành phố ven biển phía đông Triều Tiên, chúng tôi đã nhìn thấy nhiều điều bất ngờ.
Trẻ em chơi điện tử.
Nhưng không giống trẻ em phương Tây, những đứa trẻ 14, 15 tuổi này không chỉ chơi đùa. Bằng nhiều cách, những việc chúng đang làm là nhằm chuẩn bị cho cuộc sống thực tế. Hầu hết các bé trai, cùng vô số bé gái, sẽ dành những năm tháng đầu tiên của cuộc sống trưởng thành phục vụ trong lực lượng Quân đội Nhân dân Triều Tiên, giống như cha mẹ, ông bà chúng.
Tôi hỏi một cậu bé rằng em thích nhất phần nào trong trò chơi mà em đang chơi và cậu bé trả lời đó là việc được giết chết kẻ thù. Tôi hỏi em kẻ thù là ai, câu trả lời thật ớn lạnh.
"Người Mỹ".
Cuộc sống đã đổi thay kể từ thời điểm bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc sau Thế chiến II. Sự căm ghét mà người dân Triều Tiên dành cho Mỹ bắt nguồn từ cuộc chiến tranh liên Triều những năm 1950, đã cướp đi sinh mạng khoảng ba triệu người, chủ yếu là dân thường.
Chính quyền Triều Tiên dạy người dân rằng không ai khác ngoài Mỹ đã khơi mào cuộc chiến, nhưng các nhà sử học phương Tây lại nói điều trái ngược.
Cậu bé mà tôi gặp cùng bạn bè mình khăng khăng nói trong tương lai chúng muốn gia nhập quân đội để chiến đấu với "kẻ thù Mỹ đáng ghét".
"Bởi vì họ xâm lược nước chúng cháu, giết hại người dân chúng cháu", cậu bé bắt đầu.
"Chôn sống họ", bạn của em chen ngang.
"Chôn sống họ và giết chết họ", cậu bé đầu tiên tiếp tục, không để lỡ nhịp.
Tôi hỏi liệu các em có bắn tôi không nếu tôi nói rằng mình là người Mỹ và nhận được câu trả lời nhanh chóng, không phân vân: "Có".
Sau đó, chúng bày tỏ một chút đồng cảm, nói rằng chúng sẽ xem liệu tôi là người tốt hay xấu. Tôi đảm bảo mình là người tốt. Chúng nói vậy thì sẽ không bắn tôi.
Đây chính là nghịch lý ở Triều Tiên - những người trẻ tươi cười, thân thiện, lịch sự nói với tôi rằng họ ghét đất nước tôi như thế nào.
Theo nhiều cách khác nhau, thanh niên Triều Tiên khá giống với những người trẻ Mỹ. Họ thích các trò chơi và thể thao. Nhưng khi tôi nói chuyện với vài học sinh trung học đang chơi bóng chuyền bãi biển, một số cụm từ liên tục được nhắc lại mỗi lúc tôi đề cập tới Mỹ.
Những cụm từ như "kẻ thù đáng ghét" hay "quốc gia thù địch", tôi tự hỏi liệu họ có thực sự cảm thấy như vậy? Liệu họ có hiểu bất cứ điều gì về nước Mỹ?
Sự thật là tất cả những gì lũ trẻ này biết chỉ là các chiến dịch tuyên truyền của chính phủ, dạy chúng phải căm thù người Mỹ và trung thành với gia tộc họ Kim. Tượng đài và hình ảnh những nhà lãnh đạo họ Kim có ở khắp nơi. Họ xuất hiện đều đặn trên sóng truyền hình quốc gia.
Có khoảng 5 triệu trẻ em dưới 14 tuổi ở Triều Tiên. Chúng là một phần của một xã hội tập trung, nơi tập thể, không phải thành tích cá nhân, bao trùm lên tất cả. Tinh thần tập thể ấy là yếu tố quan trọng nhất giúp các em học sinh chiến thắng một suất tham gia Trại hè Thiếu nhi Quốc tế Songdowon kéo dài hai tuần, sự kiện vô cùng ý nghĩa đối với bất kỳ học sinh Triều Tiên nào.
Thứ đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi tới trại hè là bức tượng đài khắc họa cảnh những đứa trẻ mừng rỡ vây quanh hai cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Giống như những nơi khác ở Triều Tiên, cuộc sống phát triển xung quanh các nhà lãnh đạo.
Một bữa tiệc sinh nhật chuẩn bị diễn ra và chúng tôi được xem các em học sinh hát vang những ca khúc ca ngợi lãnh đạo tối cao.
Câu bé Chae Jin-song, nhân vật chính trong buổi sinh nhật, gọi ông Kim Jong-un là "người cha mang đến tình yêu giống như cha mẹ đẻ". Trước bạn bè, Chae hứa sẽ "học tập tốt hơn để đền đáp tình yêu của lãnh đạo đáng kính Kim Jong-un".
Những đứa trẻ này là tương lai của Triều Tiên. Cả một thế hệ, được nuôi dưỡng để tôn thờ nhà lãnh đạo tối cao.
Không hoài nghi. Không bất đồng. Không cật vấn.
Chỉ có lòng trung thành, suốt đời.
Chỉ có một từ duy nhất để miêu tả hành trình gần 200 km tới Wonsan, thành phố ven biển phía đông thủ đô Bình Nhưỡng: Gập ghềnh.
Chúng tôi mất gần 5 tiếng đi đường với vô số lần dừng lại. Mỗi lần kéo dài 20 phút.
Chỉ những chiếc xe nhỏ mới có thể đi qua và chúng tôi đang ở trong một chiếc xe van lớn. Người giám sát chúng tôi phải mất khá lâu để thuyết phục nhân viên cảnh sát làm nhiệm vụ ở trạm gác cho chiếc xe qua, vài cuộc điện thoại cùng lời hứa rằng sẽ lái xe thật chậm và cẩn thận khi gặp các đội xây dựng.
Chúng tôi nhìn thấy những người đàn ông và phụ nữ lao động trong các đường hầm tối tăm, chật hẹp.
Phong cảnh rất đẹp. Những ngọn núi hùng vĩ, những cánh rừng rậm và những chấm nhỏ li ti là các thị trấn tí hon nằm phía xa. Tôi tự hỏi cuộc sống của người dân ở những cộng đồng nông thôn nhỏ bé ấy ra sao. Đó là nơi mà người ngoài, đặc biệt là nhà báo, phóng viên, không được phép tiếp cận.
Wonsan là thành phố công nghiệp cỡ vừa, lớn thứ 5 Triều Tiên. Nó nổi tiếng đối với du khách vì ngành đánh bắt và nguồn thủy hải sản phong phú.
Đây cũng là nơi có các khu thử hạt nhân chính của Triều Tiên.
(Trích đoạn đầu)
Theo Vnexpress.net