Hiệu quả kép từ việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất

Chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 sẽ góp phần tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Đồng thời, chính sách này cũng phù hợp với bối cảnh chung của nhiều nước trên thế giới trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh.

Các giải pháp gia hạn về thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Các giải pháp gia hạn về thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Mở rộng phạm vi đối tượng được gia hạn thuế

Ngày 7/4/2022, Bộ Tài chính đã chính thức trình Chính phủ dự thảo nghị định cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022. Theo dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đã đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với toàn bộ các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ. Với đối tượng gia hạn lớn, phạm vi rộng gồm hầu hết các ngành, nghề, lĩnh vực, không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, điều này sẽ tác động lớn và trên diện rộng đến các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân người nộp thuế.

Việc gia hạn thời gian nộp thuế có nghĩa là người nộp thuế được hỗ trợ vốn hoặc hiểu như được Nhà nước cho vay không tính lãi khoản tiền thuế. Bên cạnh đó, thuế GTGT là loại thuế gián thu, nếu được gia hạn thời gian nộp thuế đối với sắc thuế này thì người nộp thuế được sử dụng khoản tiền không phải là của mình trong thời gian gia hạn (đối tượng chịu thuế là người tiêu dùng).

Vì vậy, việc gia hạn thời gian nộp thuế sẽ giúp các DN, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2022. Các giải pháp gia hạn về thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường. Đồng thời, việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất còn có ý nghĩa rất lớn đối với DN, bởi trong một thời gian, DN có thêm nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, từ đó sẽ quay trở lại có đóng góp cho ngân sách.

Sẵn sàng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Cũng theo đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo, thời gian thực hiện việc giãn, hoãn nộp tiền thuế, tiền thuê đất áp dụng trong năm 2022.

Đối với thuế GTGT: Để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2022 sẽ gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 – 5/2022 và quý I/2022; gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2022 và quý II/2022; gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7/2022; gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8/2022 của DN, tổ chức thuộc đối tượng áp dụng nêu trên. Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Cũng theo tính toán từ Bộ Tài chính, với việc thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT theo phương án nêu trên thì tổng số thuế GTGT gia hạn từ tháng 3 đến tháng 8/2022 và quý I, quý II/2022 là khoảng 53.300 - 54.300 tỷ đồng.

Không làm giảm thu ngân sách của năm 2022

Theo tính toán của Bộ Tài chính, các khoản tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn không làm giảm số thu ngân sách của năm 2022, do doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào ngân sách trước ngày 30/11, 31/11 và 31/12/2022.

Đối với thuế TNDN, để tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho DN nhất là trong giai đoạn hiện nay, cơ quan soạn thảo đề xuất gia hạn nộp thuế như sau: gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế TNDN năm 2022. Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Với việc gia hạn áp dụng cho sắc thuế nay như đề xuất, ước tính số thuế được gia hạn khoảng 51.000 - 52.000 tỷ đồng.

Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng này, Bộ Tài chính đề xuất: Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNCN đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2022 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này chậm nhất là ngày 31/12/2022. Số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 15.304 tỷ đồng.

Đối với tiền thuê đất, thuê mặt nước: Áp dụng đối với 50% số tiền thuê đất, thuê mặt nước phát sinh phải nộp năm 2022, thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2022 đến ngày 30/11/2022. Dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 - 3.700 tỷ đồng.

Để chính sách sớm đi vào cuộc sống giúp DN, hộ kinh doanh hồi phục phát triển kinh tế, ngay sau khi được Chính phủ ban hành, việc triển khai phải được thực hiện đồng bộ nhanh chóng hơn, vì thời điểm này đã hết quý I/2022 và bước vào quý II/2022. Trong quá trình thực hiện, cơ quan thực thi cũng cần có sẵn các phương án, cũng như giải pháp hỗ trợ để sẵn sàng tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo chính sách hỗ trợ cho DN, hộ kinh doanh đạt hiệu quả.

ThS. Trần Thị Mơ - Giảng viên khoa Thuế - Hải quan, Trường Đại học Tài chính - Marketing

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...