Hộ kinh doanh ngại lên doanh nghiệp vì... ngán thuế

Cần thay đổi chính sách về thuế khoán để tạo động lực, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Hộ kinh doanh ngại lên doanh nghiệp vì... ngán thuế

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 7-2018, cả nước có hơn 700.000 doanh nghiệp (DN) đang tồn tại. Đây là những DN nằm trong danh sách quản lý của Tổng cục Thuế có mã số thuế; không tính những DN giải thể, ngừng hoạt động chờ giải thể, nhà thầu phụ, chi nhánh.

Chưa mặn mà chuyển đổi

Để đạt mục tiêu có 1 triệu DN ở Việt Nam vào năm 2020, thời gian qua, nhiều hoạt động hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN diễn ra ở các địa phương. Mới đây, UBND quận 5, TP HCM đã chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình đẩy mạnh sự liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính công nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển DN.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ sẽ được cung cấp gói dịch vụ khuyến mãi, miễn phí cần thiết cho quá trình hoạt động, chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN như mở tài khoản ngân hàng, làm các thủ tục kê khai thuế ban đầu, dịch vụ đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội, đăng ký sở hữu trí tuệ, cung ứng lao động… Lãnh đạo quận 5 kỳ vọng mô hình này sẽ hỗ trợ, khuyến khích thêm nhiều hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN.

Dù vậy, không phải hộ kinh doanh nào cũng có nhu cầu hoặc sẵn sàng lên DN. Lãnh đạo một quận có khá nhiều chợ đầu mối lớn ở TP HCM cho biết năm 2017 chỉ vận động được khoảng 70-80 hộ kinh doanh lên DN; năm 2018, con số này còn ít hơn nhiều. UBND quận đang phải nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN nhiều hơn.

Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP HCM), toàn chợ có 265 hộ kinh doanh nhưng chỉ có 3 DN. Trong 2 năm nay, không có hộ nào thông báo với ban quản lý chợ về việc chuyển đổi mô hình kinh doanh lên DN.

Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, đánh giá đa số thương nhân ở chợ không quan tâm việc chuyển đổi này và có tâm lý ngại thay đổi. Chỉ những hộ làm ăn lớn, có xuất nhập khẩu hàng hóa mới thành lập DN để đáp ứng các yêu cầu về hóa đơn, chứng từ xuất nhập khẩu. Những hộ chỉ mua bán rau củ, nông sản… xuất xứ trong nước, dù sở hữu nhiều quầy sạp vẫn thích hoạt động theo mô hình hộ cá thể để được hưởng thuế khoán và khỏi mất thời gian làm báo cáo thuế, xây dựng hệ thống kế toán.

Chia sẻ với phóng viên, bà Võ Thị Chất, thương nhân ngành hàng rau củ quả ở chợ này, cho hay bà không có nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh. Dù đang sở hữu 2 sạp chợ, mỗi ngày cung ứng ra thị trường 10 - 12 tấn rau củ quả nhưng bà đã quen với việc tự tổ chức, kiểm soát việc mua bán. "Gia đình tôi theo nghề này đã mấy chục năm, chấp hành đúng mọi chủ trương chính sách của nhà nước. Tôi buôn bán nhỏ, tự mình kiểm soát thu chi đã quen, không có nhu cầu phát triển hơn; lập DN chỉ thêm thủ tục, tốn tiền thuê kế toán chứ không được lợi gì" - bà Chất nói.

Cần tạo sự công bằng

Theo các sở, ngành TP HCM, thời gian qua, số hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn "lên đời" DN dù chưa nhiều nhưng bắt đầu có chuyển biến tích cực. Ông Lê Minh Trung, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển DN TP HCM (thuộc Sở Công Thương TP), cho biết trung tâm vẫn liên tục phối hợp với phòng kinh tế 24 quận, huyện tổ chức các buổi tuyên truyền vận động hộ cá thể. "Chúng tôi kết hợp vừa tuyên truyền vừa sàng lọc, phân tích cho họ hiểu quyền lợi và trách nhiệm của mình nếu chọn từng loại hình hoạt động. Chẳng hạn, hộ quy mô nhỏ với 1-2 lao động, lấy công làm lời thì không cần chuyển đổi; những hộ quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động hoặc hoạt động theo chuỗi, chi nhánh nên lập DN để quản trị tốt hơn và nhà nước giám sát cũng dễ hơn" - ông Trung phân tích.

Trên thực tế, rất nhiều hộ kinh doanh có tâm lý ngại chuyển đổi vì chỉ thấy phần nghĩa vụ tăng thêm khi hoạt động theo mô hình DN như khai báo thuế, mua bảo hiểm cho người lao động và các quy định liên quan đến phòng cháy chữa cháy, môi trường… Nhiều cán bộ sở, ngành ở TP HCM nhìn nhận trong quá trình vận động, cứ đụng đến các yêu cầu báo cáo thuế khi lên DN là các hộ kêu nản và không muốn lên, bởi chính sách thuế khoán hiện nay là đơn giản và thuận tiện hơn nhiều.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, thu hút 8,7 triệu lao động. Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, khu vực kinh tế này hiện chiếm tới 32% GDP nhưng lại hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, năng lực cạnh tranh thấp. Tỉ lệ đóng góp vào thu ngân sách cũng chưa như kỳ vọng. Nếu có chính sách khuyến khích, chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN không chỉ đóng góp vào mục tiêu phát triển DN mà còn khuyến khích DN xây dựng thương hiệu. Dù vậy, chính sách thuế khoán đối với hộ kinh doanh hiện nay còn nhiều bất cập khiến khu vực này không có nhiều động lực để thay đổi, muốn lên DN.

Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nếu cứ áp dụng chính sách thuế khoán như hiện nay, hộ kinh doanh sẽ không có động lực chuyển đổi lên DN vốn đòi hỏi các quy định, yêu cầu về báo cáo thuế, quyết toán thuế… cao hơn rất nhiều so với thuế khoán. Vì vậy, cần sửa đổi chính sách thuế khoán theo hướng công bằng cho cả hộ kinh doanh và DN. Chính sách thuế khoán cần sửa đổi theo hướng các hộ kinh doanh cảm thấy lên DN sẽ "được" nhiều hơn, thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh, khi đó họ mới có động lực chuyển đổi. 

Nhiều lợi thế khi "lên đời"

Ông Lê Minh Trung nhận định trong những đợt vận động, khi nghe phân tích kỹ về quyền lợi của DN, một số hộ đã suy nghĩ lại và quyết định chuyển đổi. Hầu hết hộ cá thể đều làm ăn theo kiểu cũ, sổ sách kế toán không rõ ràng, tận dụng nhân công là thành viên trong gia đình, mặt bằng có sẵn, đến cuối năm cộng sổ thấy có dư ra một số tiền thì cho rằng đó là tiền lãi. Trong khi cũng bao nhiêu con người đó, mặt bằng đó, hoạt động dưới hình thức DN sẽ được đưa chi phí lương, thuê mặt bằng... vào chi phí hợp lệ để quyết toán thuế. Bên cạnh đó, DN còn được huy động vốn, góp vốn vào DN khác và dễ vay vốn ngân hàng hơn...

Theo Thái Phương, Thanh Nhân/Báo NLĐ

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…