Hoa mắt với ‘rừng’ phí dịch vụ ngân hàng

Phí dịch vụ ngân hàng gắn liền với các loại thẻ tăng cao nhưng chất lượng dịch vụ lại không tăng tương ứng.
Hoa mắt với ‘rừng’ phí dịch vụ ngân hàng

Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam ( Vietcombank ) đã thông báo áp dụng biểu phí dịch vụ mới. Đây là một trong những ngân hàng có số lượng khách hàng sử dụng thẻ thanh toán nhiều nhất trên thị trường, do vậy việc tăng một loạt phí gây ảnh hưởng không nhỏ tới khách hàng.

Cụ thể, theo biểu phí dịch vụ mới, Vietcombank tăng phí SMS Banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng. Khi chủ tài khoản chuyển tiền trong cùng hệ thống ngân hàng qua ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking trước đây được miễn phí thì nay sẽ tốn 2.200 đồng/giao dịch cho khoản tiền dưới 50 triệu đồng và 5.500 đồng/giao dịch nếu chuyển từ 50 triệu đồng trở lên.

Không chỉ Vietcombank mà thời gian gần đây, nhiều ngân hàng khác cũng âm thầm tăng phí dịch vụ.

“Sao mà nghĩ ra lắm loại phí đến thế”

Chị Trần Lan Anh, nhà ở quận 2, TP.HCM, cho biết đang muốn mở thêm một số thẻ nên tìm hiểu chi phí của các ngân hàng và "hoa hết cả mắt". “Ngoài số dư cố định tối thiểu phải có, phí quản lý tài khoản, khách hàng còn phải chịu thêm phí thường niên 66.000 đồng/năm nữa. Cộng gộp tất cả loại phí này thì mỗi năm khách hàng phải mất thêm 316.000 đồng. Khi hỏi nhân viên ngân hàng thì chỉ nhận được câu giải thích đó là quy định của ngân hàng”, chị Lan Anh nói.

Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty Cổ phần May thêu Minh Long Hưng (quận 9, TP.HCM), cho biết: Khi rút tiền mặt, chuyển khoản tại quầy giao dịch hoặc qua Internet Banking trong vòng hai ngày làm việc kể từ ngày nộp tiền mặt vào tài khoản không kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), khách hàng phải chịu mức phí 0,027%. Do đó, mỗi lần bạn hàng cho mượn 1-2 tỉ đồng và chạy ra ngân hàng rút liền tốn phí 300.000-500.000 đồng là chuyện bình thường.

“Khách hàng của chúng tôi ở khắp các tỉnh, thành, chủ yếu ở vùng nông thôn. Thế nên không thể nào chỉ sử dụng một tài khoản mà phải có nhiều tài khoản ở nhiều địa phương để thuận tiện cho khách hàng chuyển tiền khi đặt mua hàng. Thêm nữa những khoản vay thế chấp, vay tín chấp từ ngân hàng mỗi tháng cũng cả một mớ tiền phí nữa. Hằng tháng, riêng tiền phí dịch vụ thông báo qua tin nhắn cứ gọi là liên tu bất tận. Mỗi lần tính phí dịch vụ ngân hàng cũng đủ điên cái đầu” - ông Sinh than thở.

Tăng phí là khó tránh khỏi

Trước những phản ứng của khách hàng, Vietcombank giải thích chính sách điều chỉnh phí dịch vụ được áp dụng cùng với việc cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới, chất lượng cao và tiện ích hơn cho khách hàng. Các loại phí được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, phù hợp với nhu cầu giao dịch của khách hàng.

Còn ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc tài chính của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), giải thích: Chi phí đầu tư vào công nghệ, bảo mật cũng như tăng thêm nhiều tiện ích cho khách hàng nên tiêu tốn một khoản chi phí khá lớn của ngân hàng. Ngoài ra, có nhiều dịch vụ mà ngân hàng còn phải trả phí cho đối tác thứ ba nữa.

Ví dụ như dịch vụ về thẻ, ngân hàng phải trả chi phí cho đối tác phát hành thẻ, đối tác chấp nhận thẻ; chuyển tiền liên ngân hàng cũng phải trả phí cho bên trung gian. “Đa phần các khoản phí khi khách hàng phải đóng, chúng tôi đứng ra thu nhưng không phải là ngân hàng được hưởng trọn vẹn” - ông Hoàn nói thêm.

Nói thêm về vấn đề này, chuyên gia tài chính-ngân hàng Bùi Quang Tín phân tích: Bản chất của việc cung ứng dịch vụ luôn tốn chi phí, cho nên kiểu gì ngân hàng cũng phải thu phí thông qua cách này hoặc cách khác theo xu hướng tăng là điều khó tránh.

Tuy vậy, ông Tín cho rằng hiện nay tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tại các ngân hàng với lãi suất dao động trong khoảng 0,2%-0,5%/năm. Với số tiền gửi không kỳ hạn này, ngân hàng đem cho vay với lãi suất thấp nhất cũng được 4,1%/năm (kỳ hạn một tháng). Nhờ nguồn thu ổn định này, nhiều ngân hàng dư sức bù đắp cho các khoản miễn phí từ phí dịch vụ với khách hàng.

"Có thể giảm gánh nặng cho khách hàng

Nếu ngân hàng tiết kiệm các chi phí hoạt động thì mức phí áp dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ sẽ thấp, thậm chí không cần tăng và ngược lại.

TS. Nguyễn Chí Hiếu - Chuyên gia kinh tế 

Nguồn thu phí dịch vụ ngày càng tăng

"Tỉ trọng nguồn thu từ dịch vụ của các ngân hàng thương mại ngày càng tăng. Trong báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá: Ngoài thu nhập từ hoạt động tín dụng tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn thì thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng thương mại cũng tương đối khả quan khi tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2018, nhiều ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu tăng doanh thu từ dịch vụ, trong đó có các loại phí. Thậm chí không ít ngân hàng còn đặt chỉ tiêu về doanh thu phí dịch vụ đến từng đơn vị kinh doanh.

Trước động thái này của các ngân hàng, nhiều khách hàng cùng có chung quan điểm: Nếu tăng phí dịch vụ đi kèm tăng chất lượng, tiện ích và bảo mật thì cũng dễ hiểu. Đáng tiếc là phí tăng nhưng chất lượng dịch vụ lại không tăng tương ứng mà những vụ mất tiền trong thẻ gần đây là bằng chứng rõ nhất. Đó là chưa kể một số khoản thu bất hợp lý như phí duy trì tài khoản, phí truy vấn thông tin hay in sao kê…

Theo Thuỳ Linh/Pháp luật TP. HCM 

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh hội thảo

Để ESG dẫn dòng tín dụng

Ngành ngân hàng đang thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh...

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...