Hoa Sen rót 10.258 tỷ đồng vào phân kỳ đầu siêu dự án thép

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ USD vừa được Bộ Công Thương bổ sung vào duyệt quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025, gấp đôi dự á
Hoa Sen rót 10.258 tỷ đồng vào phân kỳ đầu siêu dự án thép

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) mới đây công bố tài liệu cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường niên độ tài chính 2015 - 2016.

Cuộc họp nhằm trình cổ đông thông qua kế hoạch thực hiện Tổ hợp Dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến sẽ được Hoa Sen tổ chức vào đầu tháng 9 tới đây.

Theo tài liệu, lý do triển khai tổ hợp dự án này được Hoa Sen đưa ra là nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường thép Việt Nam và khu vực ASEAN. Ttheo tập đoàn này, năng lực sản xuất và tiêu thụ thép của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với thế giới, do đó sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Tổ hợp này sẽ góp phần giảm tình trạng nhập siêu ngành thép tại Việt Nam, theo Hoa Sen.

Tập đoàn cũng cho biết, thông qua tổ hợp dự án, Hoa Sen sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín, đa dạng hóa sản phẩm, tăng trưởng thị phần trong nước và phát triển thị trường xuất khẩu. Hoa Sen cũng cho biết, dự án có công suất thiết kế đạt 6 triệu tấn/năm, chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn có công suất 3 triệu tấn/năm.

Trong giai đoạn I, Hoa Sen sẽ chia làm hai phân kỳ dự án. Công suất thiết kế cho phân kỳ đầu của giai đoạn I là 1,5 triệu tấn/năm, diện tích sử dụng đất 240ha. Trong phân kỳ này, tập đoàn dự kiến xây dựng phân khu bãi liệu, hệ thống phối trộn liệu và phân khu phụ trợ, các phân xưởng luyện cốc, nung vôi, thiêu kết, luyện gang, luyện đúc, cán, kéo thép. Mức đầu tư cho các hạng mục trong phân kỳ đầu của giai đoạn I dự án là 460 triệu USD (tương đương 10.258 tỷ đồng).

 Trong đó, vốn tự có cho dự án là 2.051,6 tỷ đồng, và 8.206,4 tỷ đồng là vốn vay trung hạn. Ngoài ra, khoản vốn lưu động là 2.700 tỷ đồng, trong đó tập đoàn sẽ huy động vốn vay ngắn hạn 2.430 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh dự kiến đạt 1.050.000 đến 1.500.000 tấn thép tiêu thụ trong giai đoạn 2018 - 2022, doanh thu đạt 9.555 - 13.650 tỷ đồng trong giai đoạn này cho phân kỳ đầu của dự án. Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 27,3%/năm.

Thời gian hoàn vốn cố định không chiết khấu 4 năm 8 tháng. Thời gian hoàn vốn cố định có chiết khấu 6 năm 4 tháng.

Đáng chú ý, sau sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra, đại diện lãnh đạo Hoa Sen khẳng định, đối với dự án Cà Ná, doanh nghiệp này “không để một giọt nước thải ra biển”. 

“Nếu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao hết toàn bộ tài sản cho Nhà nước", Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ nói. Dự án Liên hợp Thép Cà Ná là một trong những “siêu dự án” lớn nhất được cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 9/2008 và được khởi công xây dựng 2 tháng sau đó.

Dự án do liên doanh Lion Group (Malaysia) và Vinashin làm chủ đầu tư, với tổng vốn đăng ký lên tới 9,8 tỷ USD. Lúc được cấp chứng nhận đầu tư, Liên hợp Thép Cà Ná là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam.

Vào thời điểm đó, dự án này đã được đặt rất nhiều kỳ vọng, với mục tiêu xây dựng và vận hành khu liên hợp thép với công nghệ lò cao, lò chuyển ôxy, lò tinh luyện, cán nóng và cán nguội. Trong kế hoạch đặt ra, giai đoạn I (2008 - 2011), dự án sẽ hoàn thành tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, những khó khăn về tài chính do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến cho dự án chậm triển khai và cuối cùng, Lion Group đã tuyên bố rút khỏi dự án. Đầu năm 2011, Ninh Thuận đã rút chứng nhận đầu tư dự án này. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, ngày 28/6/2016, Ban Thưởng vụ Tỉnh ủy đã ra thông báo thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná, tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná, cảng biển tổng hợp Cà Ná tại huyện Thuận Nam.

Mới đây, Hoa Sen cũng thành lập một loạt pháp nhân do tập đoàn này đầu tư 100% để tham gia đầu tư "siêu" dự án này. Bên cạnh việc sản xuất sắt, thép, gang, các công ty này sẽ tham gia hoạt động sản xuất trong lĩnh vực gỗ, khai thác quặng, than, hóa chất, sản phẩm nhựa, vật liệu xây dựng, pin, thu gom và xử lý rác...

Mai Hồ/VNF

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...