Huyền thoại "Vua hai ngai"

Trong giới doanh nhân, thương gia thành đạt, nổi tiếng về độ giàu có ở Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1975, tên tuổi Lý Long Thân được ví như một ông “vua hai ngai” huyền thoại, nắm quyền chi phối toàn bộ ngành vải sợi và sắt thép trên thị trường miền Nam thời ấy.
Huyền thoại "Vua hai ngai"

Cứ đi khắc đến

Theo tư liệu báo chí xuất bản ở Sài Gòn trước 1975, Lý Long Thân sinh ngày 27/8/1918 trong một gia đình người Hoa nghèo, đông con ở Amoy, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Tuổi thơ của Lý Long Thân trải qua những năm thật gian khó, chứng kiến hoàn cảnh gia đình từng chịu những bữa no, bữa đói nên luôn thôi thúc trong ông khát vọng vươn lên để đổi đời. 

Năm 1938, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng trai Lý Long Thân bỏ xứ Amoy, Phúc Kiến nghèo nàn, lạc hậu của mình đi tha hương lập nghiệp. Dù trong túi không có tiền làm lộ phí, nhưng với bản tính tự tin, quyết đoán, Lý Long Thân vẫn cùng người bạn thân tên là A Chảy quyết định lên đường. Sau một thời gian vừa đi vừa kiếm việc làm để mưu sinh dọc đường, đến giữa năm 1938 Lý Long Thân và A Chảy có mặt ở Hải Phòng (Việt Nam).

Nhưng Hải Phòng thời ấy, với tầm nhìn và cảm nhận của Lý Long Thân cũng nghèo nàn lạc hậu chả khác gì nơi quê nhà Amoy, Phúc Kiến (Trung Quốc), nên chưa phải miền đất hứa mà mình tìm kiếm. Dù rất thất vọng, nhưng A Chảy không đủ dũng khí và ý chí kiên định để tiếp tục cuộc hành trình nên bằng lòng ở lại Hải Phòng làm thuê cho tiệm bán mỳ vằn thắn (hoành thánh) của người Hoa. Là một chàng chai có bản lĩnh, không chịu bỏ cuộc, Lý Long Thân chia tay A Chảy, rồi “đơn thương độc mã” xuống một chiếc tàu biển chạy tuyến Bắc – Nam xin làm thuê để có cơ hội vào Sài Gòn – Chợ Lớn.

Ngay sau khi đặt chân đến đất Sài Gòn, Lý Long Thân đã tìm đến bang hội cộng đồng người Hoa Phúc Kiến để nhờ sự giúp đỡ. Bang hội ở đây được lập ra để phục vụ cho hoạt động kinh tế (khác hẳn với bang hội xã hội đen). Cộng đồng người Hoa mỗi vùng, miền của lục địa Trung Hoa rộng lớn, khi đến định cư ở Chợ Lớn (Sài Gòn) từ cuối thế kỷ 17 đều có những bang hội riêng. Họ sống tụ tập quây quần với nhau và chịu sự quản lý của Bang trưởng. Những người giàu luôn hỗ trợ người nghèo, người làm ăn phát đạt hỗ trợ vốn, chỉ dẫn, truyền đạt kinh nghiệm thương trường cho những người mới khởi nghiệp vào nghề gặp khó khăn... Tại Chợ Lớn, bất cứ ai, dù thân phận thế nào khi di cư từ Trung Quốc sang đều được các bang hội hỗ trợ về chỗ ăn ở và việc làm.

Không hổ danh dòng máu kinh doanh của người Hoa

Lý Long Thân không chỉ là người có tài, mà là người có biệt tài kinh doanh, biết nắm bắt từng cơ hội đến với mình.

Trong giới doanh nhân, các thương gia người Hoa rất tin vào tướng số (nhân tướng) nên với ngoại hình cao ráo đẹp trai, cặp mắt sáng, vầng trán rộng, nhanh nhẹn, nói năng lễ độ, chàng trai Lý Long Thân đã lọt vào “cặp mắt xanh” của Bang trưởng Phúc Kiến. Anh được coi là người có tướng mạo đế vương ắt về sau sẽ là người có tài kinh bang tế thế. Chính vì vậy không chỉ có Bang trưởng mà còn nhiều xì thẩu (đại gia) giàu có khác đều không tiếc công giúp đỡ Lý Long Thân. Ngay sau cuộc gặp gỡ ấy, Lý Long Thân được đích thân Bang trưởng Phúc Kiến bảo lãnh giới thiệu vào làm việc tại tiệm vàng Kim Thành nổi tiếng nhất Chợ Lớn thời ấy.

Làm việc ở tiệm vàng Kim Thành chỉ một thời gian ngắn, nhưng với đức tính cần mẫn, chăm chỉ, sốt sắng, trung thực lại thông minh sáng dạ, Lý Long Thân được ông chủ rất tin cậy. Trong giao dịch với khách hàng, Lý Long Thân luôn lịch thiệp thân thiện, tận tình chỉ mối, tư vấn giúp khách hàng trao đổi mua bán với chủ tiệm, khiến khách hàng rất hài lòng và quý mến. Nói chung Lý Long Thân đã làm rất tốt vai trò người trung gian giữa khách hàng và chủ tiệm trong việc giao địch mua bán vàng.

Thời ấy, khách hàng của tiệm vàng Kim Thành tập trung đông đảo những người có địa vị trong xã hội, những ông chủ xì thẩu giàu làm ăn lớn, những tay cờ bạc chuyên nghiệp hoặc những thương gia áp phe hàng xuyên quốc gia…Nhờ làm trung gian cho những khách hàng VIP của tiệm vàng để hưởng hoa hồng, Lý Long Thân đã nắm bắt được thời cơ khi giá vàng lên, hoặc xuống để đầu tư hưởng tiền chênh lệch. Chính với chiêu này mà chỉ trong vòng 5 năm làm việc ở tiệm vàng Kim Thành, anh đã tích lũy được một số vốn lận lưng khá lớn. Để đồng tiền sinh lời, Lý Long Thân xin phép ông chủ tiệm vàng Kim Thành cho mình được hùn cổ phần. Được ông chủ chấp nhận và tạo điều kiện cùng hợp tác làm ăn, từ đó dù vẫn trong thân phận người làm thuê, nhưng hàng tháng Lý Long Thân đã có thêm phần tiền lời từ cổ phần, nên số vốn tích lũy được ngày càng nhiều.

Vốn là người tự tin, có tầm nhìn xa trông rộng và quyết chí vươn lên, khi có một số vốn đủ mạnh, Lý Long Thân bắt đầu rời tiệm vàng Kim Thành để chính thức bắt tay vào khởi nghiệp với việc thành lập Công ty môi giới địa ốc Tong Yuan. Đã có kinh nghiệm nhiều năm làm trung gian môi giới ở tiệm vàng Kim Thành, khi chuyển sang môi giới về địa ốc, Lý Long Thân gặp nhiều thuận lợi, công ty làm ăn ngày càng phát đạt, thu về món lợi nhuận tăng theo cấp số nhân

Tuy tuổi đời còn rất trẻ, khởi nghiệp chưa lâu, nhưng trong mắt cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn nói chung, người Hoa Phúc Kiến nói riêng, Lý Long Thân được xem như một hiện tượng vượt khó vươn lên đổi đời một cách hết sức ngoạn mục. Thành công nối tiếp thành công, năm 1943, Lý Long Thân lúc này mới 25 tuổi, đã quyết định gom hết số vốn liếng tích lũy được từ những năm làm việc ở tiệm vàng Kim Thành và Công ty môi giới địa ốc Tong Yuan để mua cổ phần Công ty Savico (địa ốc thương cuộc). Từ đây Lý Long Thân bắt đầu mở mang sang lĩnh vực xuất nhập khẩu dựa trên các mối quan hệ Hoa kiều ở Chợ Lớn với Hoa kiều ở Hồng Kông, Đài Loan và cả Hoa lục để giao dịch các thương vụ.

Là người có tính quyết đoán và nhanh nhạy trong môi giới giao dịch, nên Lý Long Thân được giới doanh nhân, thương gia của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn rất tin cậy trong hợp tác làm ăn. Khi ấy, Lý Long Thân trở thành một mắt xích quan trọng trong trung gian môi giới giao dịch thương mại không chỉ ở trong nước mà với cả nước ngoài. Từ đó uy tín và công việc kinh doanh của Lý Long Thân ngày càng phát triển mạnh và mang tầm khu vực Đông Nam Á.

Theo nhìn nhận của giới doanh nhân, thương gia người Hoa Chợ Lớn thì Lý Long Thân thực sự có tố chất một đại xì thẩu (đại gia) có tầm nhìn chiến lược trong thương trường và là người rất thức thời, nhạy bén. Thời ấy, khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), cụ thể là Tổng thống Ngô Đình Diệm đưa ra Sắc luật buộc người nước ngoài phải nhập quốc tịch Việt Nam hoặc bị trục xuất, yêu cầu người Hoa phải lấy tên tiếng Việt trong thời hạn 6 tháng. Đồng thời cấm người nước ngoài (chủ yếu nhằm vào Hoa kiều) hoạt động trong 11 ngành nghề, mặt hàng như vải sợi, sắt thép, máy móc và kể cả buôn bán lúa gạo, hàng tạp hóa vốn là những ngành hàng mà người Hoa chiếm ưu thế trên thị trường. Trước tình thế đó, Lý Long Thân không ngần ngại bỏ quốc tịch Trung Quốc, nhanh chóng xin nhập quốc tịch Việt Nam để được hưởng những chính sách ưu đãi trong sản xuất, kinh doanh của người Việt.

Chỉ là một nhân viên của tiệm vàng, nhưng Lý Long Thân đã biết nắm bắt được thời cơ khi giá vàng lên - xuống để đầu tư hưởng tiền chênh lệch. Vốn “lận lưng” được tích lũy từ đó, cổ phần của tiệm vàng cùng với lợi nhuận cũng được nhân lên…. Và thế là, Lý Long Thân với biệt tài kinh doanh đã tự gây dưng danh xưng “Vua hai ngai” cho mình.

Năm 1959, Lý Long Thân (khi ấy mới 41 tuổi) đã quyết định ký quỹ một số tiền rất lớn, với mục đích để được nắm giữ chức vụ Hoa Vụ Kinh Lý tại Ngân hàng Việt Nam Thương Tín là một trong những ngân hàng lớn nhất, uy tín nhất không chỉ ở Sài Gòn – Chợ Lớn mà cả miền Nam thời ấy. Khi đã nắm được chức Hoa Vụ Kinh Lý quan trọng này, Lý Long Thân dồn hết tâm huyết của mình vào việc thu hút đầu tư từ các đại xì thẩu người Hoa có máu mặt và nổi tiếng về sự giàu có ở Chợ Lớn để lập nên hai công ty đó là Vinatexco (Việt Nam vải sợi Công ty, nay là Nhà máy dệt Thắng Lợi) và Vinatefinco (Việt Nam vải sợi hoàn tất Công ty). Đây là hai công ty chuyên về sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu vải sợi lớn nhất ở miền Nam thời điểm ấy.

Ông Lý Long Thân bên Công ty Vinatexco (đang khởi công xây dựng)
Ông Lý Long Thân bên Công ty Vinatexco (đang khởi công xây dựng)

“Vua hai ngai”

Sự ra đời và liên tục phát triển mạnh mẽ của Vinatexco và Vinetefinco đã đưa tên tuổi doanh nhân, thương gia Lý Long Thân lên ngôi “vua vải sợi”, thâu tóm chi phối phần lớn thị trường vải sợi miền Nam. Nhiều tư liệu báo chí xuất bản ở Sài Gòn trước 1975 cho thấy, tại khu nhà kho ngay cầu Tham Lương gần làng dệt Ngã Tư Bảy Hiền, nguyên liệu và hóa chất phục vụ cho nhu cầu dệt, nhuộm vải nhiều tới mức có thể đủ cung cấp liên tục trong vài năm không hết.

 Không để dòng tiền bị ngưng đọng, Lý Long Thân thấy ngành nghề nào có khả năng sinh lời hái ra tiền là chớp lấy cơ hội đầu tư kinh doanh. Dù đã là ông “vua vải sợi” nổi tiếng, nhưng Lý Long Thân vẫn chưa hài lòng, ông tiếp tục tìm kiếm và đầu tư vào kinh doanh thêm những lĩnh vực khác. Khi chiến tranh lan rộng, vũ khí, khí tài quân sự của Mỹ đổ vào miền Nam ngày càng nhiều và theo thời gian (do nhiều nguyên nhân) một phần lớn những trang bị này sẽ bị loại bỏ thành phế liệu. Nhận thấy đây là nguồn nguyên liệu dồi dào, Lý Long Thân đã đứng ra thành lập nhà máy cán thép Visaca (Việt Nam cán thép Công ty, nay là Công ty CP thép Vicaso – VNSTeel) và độc quyền tận thu nguồn nguyên liệu sắt từ khắp các chiến trường miền Nam. Giá thu mua phế liệu cực rẻ đã cho Lý Long Thân có một nguồn nguyên liệu (đầu vào) cực tốt để biến thành những sản phấm sắt thép xuất khẩu có giá trị lợi nhuận cao ngất ngưởng.

Trụ sở Công ty CP thép Vicaso – VNSTeel, trước đây là Công ty Vicaso của “Vua hai ngai” Lý Long Thân

Trụ sở Công ty CP thép Vicaso – VNSTeel, trước đây là Công ty Vicaso của “Vua hai ngai” Lý Long Thân

Đây là một công ty cán thép quy mô lớn, được thành lập và đi vào hoạt động từ 17/5/1967, với sự đóng góp vốn đầu tư của 15 cổ đông. Trong đó, các cổ đông chủ chốt gồm các thương gia nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa Chợ Lớn, gồm: Lý Long Thân (Chủ tịch Hội đồng quản trị); Trần Thành (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị) và Vương Cam là Tổng Giám đốc. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước thị trường sắt thép miền Nam chỉ có Vikimco và Visaco là cán thép để sản xuất ra các loại sắt thanh, sắt tròn, sắt chữ I, chữ L…dùng trong xây dựng, nhưng quy mô và năng lực sản xuất của Công ty Vikimco thua xa so với Công ty Visaco của Lý Long Thân. Sản phẩm sắt thép do Công ty Visaco sản xuất vừa đảm bảo chất lượng, vừa đạt năng suất cao đã chiếm lĩnh hầu hết thị phần sắt thép miền Nam và phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu, trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc là hai thị trường rất ưa chuộng loại sắt thép thành phẩm của Công ty Visaco. Sự phát triển phi mã của Công ty Visaco đã đem lại nguồn lợi nhuận khếch xù cho Lý Long Thân, với số vốn tính đến năm 1974 lên tới 600 triệu đồng (một số tiền khổng lồ thời điểm ấy) và ông được mệnh danh là ông “vua sắt thép”. Từ đó Lý Long Thân trở thành vị doanh nhân, thương gia duy nhất nhận được danh xưng “vua hai ngai”, thâu tóm gần như toàn bộ thị trường vải sợi và thép ở miền Nam.

Báo chí trước 1975 ở Sài Gòn nhận xét, trong kinh doanh,Lý Long Thân là người vô cùng nhạy bén với thời cuộc và có nhiều quyết định táo bạo, tạo nên những bước ngoặt có tính đột phá và cực kỳ phát đạt. Khi Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đưa ra các khẩu hiệu nhằm chấn hưng kinh tế như: “Bình định và phát triển nông thôn”, “Cách mạng trong sản xuất lúa gạo”, “Thay sức người bằng sức máy”, Lý Long Thân đã chớp ngay lấy thời cơ hội này để mở ra hàng chục công ty con với mục đích nhập khẩu ồ ạt các loại máy móc nông ngư cụ và hàng tiêu dùng cung cấp cho thị trường.

Lý Long Thân cho nhập khẩu nhiều nhất là các máy nông cụ, tại dãy nhà kho nông ngự cụ ở Phú Thọ Hòa, lúc nào cũng có sẵn hàng trăm chiếc máy cày của hai thương hiệu nổi tiếng Kohler và Kubota (Nhật Bản). Ngoài ra, trong bất cứ thời điểm nào ở hệ thống nhà kho khổng lồ trên đường Mạc Vân, bên kia cầu Sài Gòn đều chứa đầy các loại hàng tiêu dùng, nhất là các loại phụ tùng xe máy, với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng (một số tiền rất lớn thời ấy).

Sau biến cố 30/4 1975, Lý Long Thân và gia đình chuyển sang Mỹ định cư, để lại đằng sau những vang bóng một thời của danh xưng “vua hai ngai” ở Sài Gòn – Chợ Lớn trước 1975.

Có thể bạn quan tâm

Vinpearl lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á

Vinpearl lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á

Với sự nỗ lực không ngừng, Vinpearl đã đạt được một cột mốc đáng ghi nhớ khi lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á. Thành công này là kết quả của quá trình đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng dịch vụ, không ngừng đổi mới và mở rộng quy mô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao biểu trưng Thương hiệu quốc gia cho đại diện VNPT VinaPhone

VinaPhone 5G và MyTV được công nhận là Thương hiệu quốc gia

VinaPhone 5G và MyTV vừa vinh dự được công nhận là Thương hiệu Quốc gia, đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của VNPT trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và khẳng định vị thế hàng đầu trên thị trường...

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel vừa chính thức giới thiệu đến người tiêu dùng dòng sơn ngoại thất Dulux Weathershield Royal Shine với tính năng tự làm sạch độc đáo. Đây là dòng sơn sở hữu công nghệ Hybrid Mineral tiên tiến, mang đến giải pháp bảo vệ vượt trội lên tới 12 năm dành cho phân khúc dinh thự cao cấp.

ROX Group xuất sắc nhận “cú đúp” giải thưởng tại APEA 2024

ROX Group xuất sắc nhận “cú đúp” giải thưởng tại APEA 2024

Chiến lược tái định vị thương hiệu ấn tượng cùng nỗ lực khẳng định vị thế trong nước và quốc tế đã giúp ROX Group ghi tên mình vào bảng vàng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” và “Thương hiệu truyền cảm hứng” của Asia Pacific Enterprise Awards (APEA) 2024...

Tetra Pak kỷ niệm 30 năm thành lập

Tetra Pak kỷ niệm 30 năm thành lập Tetra Pak Việt Nam

Với sứ mệnh "Bảo vệ chất lượng tốt: Thực phẩm, con người và hành tinh", Tetra Pak luôn hướng tới một tương lai bền vững, cung cấp thực phẩm an toàn và chất lượng, thúc đẩy hợp tác trong ngành, và dẫn dắt chuyển đổi bền vững mang lại lợi ích lợi tốt đẹp cho cộng đồng và môi trường.