Trong khi lạm phát vẫn chưa được kiểm soát, các ngân hàng trung ương cần sẵn sàng cho các động thái mạnh tay hơn để đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu, như việc FED khẳng định sẽ thắt chặt tiền tệ từ giờ tới cuối năm nay.
Trước đó, IMF đã liệt kê làn sóng tăng lãi suất, nguy cơ từ lạm phát cao và việc Trung Quốc tiếp tục các đợt phong tỏa là các yếu tố rủi ro có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái trong thời gian tới.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế trưởng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết: "Tôi hiểu rằng các ngân hàng trung ương có thể đang cảm thấy lo lắng, việc nâng lãi suất trong khi nền kinh tế vốn đang giảm tốc không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nếu không kiên trì, chúng ta có thể rơi vào kịch bản của thập niên 1980, FED nới lỏng tiền tệ trở lại do lo ngại suy thoái, để rồi lạm phát vẫn cao và buộc phải tăng lãi suất một thời gian dài sau đó".
Ngày 26/7, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, đồng thời cảnh báo những rủi ro suy giảm do lạm phát cao và căng thẳng Nga-Ukraine gây ra và có thể đẩy nền kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái nếu không được kiểm soát.
Trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF cho biết tăng trưởng GDP thực toàn cầu sẽ chậm lại xuống 3,2% vào năm 2022 so với mức dự báo 3,6% được đưa ra vào tháng 4/2022. IMF cho biết thêm mức sụt giảm tăng trưởng GDP thế giới trong quý II/2022 là do đà giảm sút tại Trung Quốc và Nga.