Với hàng chục nghìn ca lây nhiễm được ghi nhận hàng ngày, các chuyên gia lo rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của Indonesia sẽ đẩy đến bờ vực thảm họa nếu sự lây lan của virus không suy giảm.
Các ca nhiêm Covid-19 tại Indonesia bắt đầu gia tăng vào cuối tháng 5 - sau ngày lễ Eid Al-Fitr để đánh dấu sự kết thúc tháng ăn chay của người Hồi giáo - và dịch bệnh đã nhanh chóng gia tăng theo cấp số nhân.
Theo các chuyên gia y tế, làn sóng dịch bệnh lần này đa phần là bởi biến thể Delta mới dễ lây lan hơn. Bên cạnh đó, họ cũng đổ lỗi cho chính phủ vì phản ứng chậm chạp và không thực hiện các biện giãn cách một cách mạnh mẽ, không đầu tư vào hệ thống kiểm tra và truy vết hiệu quả.
Tính đến ngày 20/7, Indonesia ghi nhận tổng số gần 3 triệu trường hợp mắc Covid-19 và hơn 76.000 trường hợp tử vong, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại các số liệu này không phản ánh chính xác tình hình dịch bệnh thực tế vì rất nhiều nơi còn thiếu khả năng xét nghiệm. Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 7 cho biết việc xét nghiệm không đầy đủ tiếp tục là một vấn đề lớn, với hơn 50% số tỉnh báo cáo tỷ lệ xét nghiệm thấp hơn tiêu chuẩn khuyến nghị.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin nói với CNN vào đầu tháng 7 rằng các nhà chức trách ban đầu chưa nhận ra được tình hình virus lây lan nhanh như thế nào trong làn sóng lần này.
Về chương trình tiêm chủng quốc gia, Indonesia chủ yếu dựa vào vaccine Sinovac của Trung Quốc, được bắt đầu đưa vào triển khai từ tháng Giêng năm nay, ưu tiên nhân viên y tế tuyến đầu, tiếp theo đó là công chức nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và công chúng. Việc triển khai vốn đã có một khởi đầu chậm chạp, cùng thời điểm lo ngại về hiệu quả của vaccine Sinovac đối với các biến thể mới - và các nhà chức trách đang phải vật lộn để đảm bảo tiêm chủng diện rộng.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhấn mạnh, vaccine là "hy vọng hồi phục của Indonesia sau cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu". Nhưng tính đến ngày 20/7, Indonesia mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho 6% dân số, theo thống kê theo dõi vaccine Covid-19 của CNN. Tại Jakarta, hơn 2 triệu người - khoảng 23% dân số thủ đô - đã nhận cả hai liều tiêm, theo số liệu của chính phủ.
Theo Gavi, tổ chức điều phối chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu, Indonesia đã nhận được hơn 11,7 triệu AstraZeneca thông qua COVAX. Nước này cũng đã nhận được hơn 4,5 triệu vaccine của Moderna do Hoa Kỳ tài trợ.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết trong một cuộc họp báo ngày 11/7 rằng tất cả các nhân viên y tế sẽ được ưu tiên tiêm mũi thứ ba vaccine mRNA của Moderna, thêm vào đó vaccine này cũng sẽ được sử dụng như mũi thứ nhất và mũi thứ hai cho công chúng chưa được tiêm.