Tony Tan Caktiong và em trai Ernesto Tanmantiong là hai nhà đồng sáng lập nên thương hiệu Jollibee với ước mơ và tham vọng tạo ra một “đế chế” fast food của riêng Philippines vươn tới thị trường toàn thế giới. Vào năm 1981, McDonald lần đầu tiên có mặt tại Philippines, Jollibee khi đó mới chỉ sở hữu một vài cửa hàng thức ăn nhanh rải rác đây đó. Nếu để so sánh, Jollibee như một chú cá bé nhỏ bên cạnh cá lớn McDonalds với hàng ngàn chi nhánh toàn cầu.
Thay vì lo lắng và chùn bước, hai anh em Tony và Ernesto lại coi đây là một thử thách, một cuộc cạnh tranh lành mạnh và thiện chí. “Rất nhiều bạn bè đã nói với chúng tôi rằng hãy tránh xa đối thủ nặng ký này - hãy như nhiều doanh nghiệp khác và đừng cố gắng đối đầu với “người khổng lồ” toàn cầu McDonald,” ông Ernesto - chủ tịch và giám đốc điều hành hiện tại của Jollibee chia sẻ với CNBC.
“Anh trai tôi đã nhất quyết bỏ qua tai những lời nói đó,” ông Ernesto tiết lộ. Thay vào đó, nhà sáng lập 28 tuổi khi ấy đã kêu gọi cả công ty cùng nhau lập nên một kế hoạch “tấn công và phòng thủ”. Họ đã cùng nhau phân tích SWOT về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của mình và tìm kiếm “những khoảng trống” trên thị trường. “Những gì chúng tôi đã làm chính là nắm được một kế hoạch chiến lược trong nội bộ trước hết.”
Trong khi McDonald có lợi thế từ các nền kinh tế quy mô lớn và kinh nghiệm qua nhiều thập kỷ, ông Ernesto cho biết họ đã xác định được một lĩnh vực chính mà “người khổng lồ” Hoa Kỳ này không thể cạnh tranh được, đó chính là: Hương vị đặc trưng của Philippines. Người Philippines vốn có xu hướng thích hương vị ngọt và cay hơn; điều mà McDonald khó có điều chỉnh theo mà vẫn phải đảm bảo được hương vị biểu trưng chất Mỹ.
“Sau nghiên cứu đó, chúng tôi cảm thấy khá tự tin. Và Jollibee đã có được Chickenjoy - món gà rán nổi tiếng của hãng.”
Jollibee có một thực đơn độc đáo: món mì spaghetti Jolly ngòn ngọt, bánh mỳ hotdog bánh burger cay - những yếu tố giúp thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu trên trường quốc tế trong thời gian qua. Hiện tại, Jollibee có hơn 3500 cửa hàng tại Philippines và 1000 cưat hàng quốc tế, bao gồm cả những thương hiệu “dưới trướng” như Smashburger, Burger King Philippines và Panda Express Philippines.
Nhưng khi họ bắt đầu mở rộng sang Hoa Kỳ - một trong những thị trường chiến lược quan trọng bên cạnh Trung Quốc, Jollibee lại một lần nữa phải đối đầu với McDonald ngay tại “sân nhà” của đối thủ. Đầu năm nay, Jollibee vừa khai trương chi nhánh đầu tiên tại Manhattan, New York - một trong số 37 cửa hàng hiện tại tại Hoa Kỳ.
Ông Ernesto cho biết, anh trai Tony Tang Caktions ( hiện là chủ tịch hội đồng quản trị) cùng các thành viên của công ty ban đầu dự định nhắm tới nhóm khách hàng là người Philippines ở nước ngoài. Nhưng trên thực tế, họ đã rất ngạc nhiên khi hương vị Jollibee được nhiều khác hàng nước ngoài yêu thích. Thật vậy, 50% khách hàng của công ty lại không phải người bản xứ.
Điều đó đã giúp ông Tony Tan và em trai thực hiện được sứ mệnh mới nhất gần đây, đưa Jollibee trở thành một trong năm công ty thực phẩm hàng đầu thế giới về vốn hoá thị trường. Trở thành chuỗi cửa hàng thức ăn lớn nhất châu Á vào năm 2014, Jollibee sẽ phải cạnh tranh cùng với những cái tên lớn khác như Starbucks, Yum! Brands và Domino để giữ vững được vị trí đó.
Tuy nhiên, ông Ernesto vui vẻ nói rằng anh trai mình lại là một người yêu thích sự thử thách. “Tony là một người có tầm nhìn xa và anh ấy thích mơ ước lớn lao. Đó cũng chính là lý do đã giúp Jollibee đạt được thành quả như ngày hôm nay. Nhờ tầm nhìn táo bạo và phóng khoáng đó, tất cả chúng tôi đều đã không ngừng nỗ lực để có thể đạt được thành công.”
Theo CNBC