Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, sở hữu thương hiệu K Coffee
Tháng 4/2018, thị trường cà phê trong nước rúng động vì vụ việc bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975), chủ cơ sở sản xuất cà phê tại huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông dùng chất bột màu đen của pin hòa với nước rồi đem nhuộm với cà phê thải bán ra thị trường nhằm mục đích kiếm lời.
Vụ việc này đã khiến ngành cà phê trong nước ảnh hưởng không nhỏ, từ những người sản xuất đến cơ sở tiêu thụ, khi các mặt hàng cafe bị người tiêu dùng “tẩy chay”.
Tuy nhiên, giữa tâm bão đấy, K Coffee vẫn tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế của mình, không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế với dòng sản phẩm cà phê rang xay nguyên chất, hoàn chỉnh, không pha trộn, an toàn cho sức khỏe.
K Coffee cũng là thương hiệu cà phê duy nhất phục vụ cho người Việt có áp dụng theo đúng các chuẩn UTZ và BRC. Đây là 2 chuẩn mực chất lượng được công nhận trên toàn cầu.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group – đơn vị sở hữu thương hiệu K Coffee – cho biết, với định hướng phát triển cà phê chuẩn Thế giới, Phúc Sinh Group đã chi 5 tỷ VNĐ để hỗ trợ người nông dân trồng cà phê đúng tiêu chuẩn UTZ Hà Lan, với mong muốn nâng tầm chất lượng cà phê, cải thiện năng suất, từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân.
Chuẩn UTZ giúp nông dân có thể tiết kiệm nước tưới, phân hữu cơ, để cây hấp thu dinh dưỡng tốt nhất và bảo vệ đất khỏi tàn phá của chất hóa học. Chuẩn này cũng giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân trồng cà phê, thông qua kiểm định nghiêm ngặt các chất độc hại và đất đai canh tác.
Nhờ lợi ích thiết thực từ cách trồng theo chuẩn UTZ cho năng suất tăng, tiết kiệm chi phí và đời sống được nâng cao đáng kể, từ đó giúp số lượng nông dân trồng cà phê bền vững ngày càng tăng. Đến nay đã có 897 hộ trồng trên diện tích trên 1.000 ha, cho hơn 2.700 tấn cà phê đạt chuẩn UTZ do Phúc Sinh hỗ trợ.
Thu nhập tốt, đời sống nông dân cũng dần được nâng cao toàn diện, thiết lập các tiêu chuẩn cuộc sống đối với người sản xuất cà phê về cơ sở vật chất y tế, giáo dục, nước sinh hoạt và nhà ở.... Nét nhân văn trong kinh doanh này luôn được Phúc Sinh đề cao.
Sinh ra ở Hải Phòng, bố mẹ làm công chức, không phải nông dân cũng không buôn bán. Nhưng từ ngày thành lập doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông đã chọn nông sản. Nơi làm việc, vùng nguyên liệu và cả nhà xưởng sản xuất đều được xây dựng khác biệt, đúng theo nghĩa làm cầu nối giữa nông dân với người tiêu dùng.
Thực ra, ông Thông đã chọn hướng trực tiếp đến với đối tượng cụ thể là người nông dân, để từ đó nâng tầm chất lượng cà phê và gu thưởng thức cà phê của người Việt. Hướng tiếp cận này là khác với mong muốn truyền cảm hứng, khơi dậy sức mạnh và tinh thần khởi nghiệp, khát vọng vươn lên làm giàu theo kiểu ông chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên - ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Cùng làm cà phê, nhưng mỗi doanh nhân tự chọn cho mình đường đi khác nhau. Tuy nhiên, cả ông Phan Minh Thông lẫn ông Đặng Lê Nguyên Vũ đều có chung khát vọng, đó là nâng tầm và khẳng định được chỗ đứng cho thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.