Phản ánh với báo chí, bà Bùi Tố Loan cho biết, đã gửi hai sổ tiết kiệm vàng tại Eximbank chi nhánh Hà Nội vào tháng 4/2010, trong đó một sổ hơn 10 lượng và một sổ ba lượng.
Cuối năm 2013, bà Loan tất toán sổ 10 lượng, còn sổ tiết kiệm còn lại 3 lượng vàng bà tiếp tục gửi theo hình thức giữ hộ.
Đến ngày 25/8/2017 bà Loan mới đem giấy chứng nhận gửi vàng đến ngân hàng làm thủ tục nhận 3 lượng vàng. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng thông báo bà đã tất toán và nhận số vàng này cùng thời điểm khi bà tất toán sổ 10 lượng vàng. Đồng thời nhân viên cũng đưa ra hàng loạt phiếu chi có chữ ký của khách hàng.
Trong các đơn khiếu nại gửi đến Eximbank, bà Loan cho rằng khi bà làm thủ tục tất toán 10 lượng vàng, phía ngân hàng tự động tách thành 3 phiếu chi với tổng cộng 10 lượng. Do có rất nhiều phiếu chi và thu, tạo ra sự rắc rối khó kiểm soát cho bà khi ký nhận.
Theo lãnh đạo Eximbank chi nhánh Hà Nội cho biết sở dĩ xảy ra sự việc khách hàng "đã nhận vàng" nhưng vẫn còn giữ sổ gốc là do thời điểm chi vàng, nhân viên ngân hàng đã cho khách nợ sổ mà không đề nghị có chữ ký xác nhận, do bà Loan có quan hệ với cán bộ ngân hàng nên nhân viên đã dễ dãi cho khách nợ sổ rồi... quên không đòi sổ.
Cũng theo vị này, ngân hàng đã gửi Viện Khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát yêu cầu giám định các chứng từ liên quan đến giao dịch trên của bà Loan.
Ngày 23/2, Viện Khoa học hình sự đã có thông báo gửi ngân hàng với nội dung rằng chữ ký và chữ viết của khách hàng trên chứng từ giao dịch so với mẫu đăng ký là do cùng một người ký và viết ra.
Tuy nhiên, bà Loan không đồng ý với trả lời của Eximbank và cho rằng còn quá nhiều điều cần phải được làm rõ.
Phải chăng "vận hạn" đang đeo đẳng Eximbank khi vụ việc mất 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình tại Chi nhánh Eximbank TP. Hồ Chí Minh vẫn đang gây xôn xao dư luận, thì lại tiếp tục có khách hàng "tố" mất vàng, hay là do lỗ hổng về khâu quản lý của chính ngân hàng?
>> Những góc nhìn khác về vụ mất 245 tỷ gửi tại Eximbank