Vào những năm 1950, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York đã tổ chức một chuỗi triển lãm ảnh nghệ thuật nổi tiếng có tên gọi “Family of Man”. Triển lãm đã mang đến những hình ảnh dung dị của con người trong thời chiến, tôn vinh bản sắc, sự chia cắt và những số phận tương đồng trước mối đe doạ của chiến tranh.
Các quán cà phê dọc Navigli ở Milan vốn là nơi người dân bản xứ nhâm nhi ly rượu khai vi, bỗng ảm đạm đến lạ. Quảng trường Thời đại nhộn nhịp nay được ví như “thị trấn ma”. Hay City of London và Place de la Concorde vội vã mỗi buổi sáng cũng không thấy một bóng người… Sự trống vắng dường như cũng “lây lan” như virus.
Tờ New York Times gần đây đã thực hiện một dự án nhiếp ảnh quy tụ hàng chục nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới cùng ghi lại những khoảnh khắc lạ kỳ, hiếm thấy tại những quảng trường công cộng, bãi biển, khu hội chợ, nhà hàng, nhà ga, điểm đến du lịch… - vốn nhộn nhịp quanh năm - nay bỗng buồn bã và "trơ trọi" giữa cuộc sống thường nhật của con người.
Nhưng chính sự trống rỗng tại những nơi này trong thời điểm hiện tại lại khắc hoạ nên một hình ảnh đẹp, một nỗ lực bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Nó gợi cho chúng ta thấy rằng, chính bằng cách xa rời khau, chúng ta lại đang cùng nhau góp sức vì một lợi ích chung.
Có thể đối với một số người, những bức ảnh tĩnh đầy ám ảnh dưới đây giống như một bộ phim Hollywood về đại dịch bệnh hay ngày tận thế. Nhưng Thương Gia lại cho rằng, nếu nhìn theo một khía cạnh khác, chúng lại mang tới hy vọng: Hy vọng về khoảnh khắc mà tất cả chúng ta sẽ cùng trở lại.
Nguồn: The New York Times