Ngoài một số kiến nghị về các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội, môi trường, nhập khẩu máy móc qua sử dụng được giải đáp khá trọn vẹn và nhận được sự đồng thuận của phía nhà đầu tư Nhật Bản, cuộc đối thoại trở nên "nóng" hơn khi đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị một quy định được phía Nhật cho là khá phi lý, chưa có tiền lệ ở quốc gia đang phát triển nào.
Cụ thể, Nghị định 116/2017/NĐ-CP về "sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và dịch vụ bảo hành bảo dưỡng cho ô tô" yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài
Với quy định này, ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô Nhật Bản bình luận, thực tế, Chính phủ mỗi quốc gia chỉ kiểm tra, thử nghiệm và cấp chứng nhận theo quy định của quốc gia đó cho việc sử dụng trong nước. Xe sản xuất để xuất khẩu khẩu nằm ngoài sự quan tâm của Chính phủ quốc gia xuất khẩu xe.
"Hiện nay, ở Việt Nam đã có Giấy chứng nhận kiểu loại được cấp bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam, ngoài ra các mẫu xe sản xuất trong nước cũng được yêu cầu có Giấy chứng nhận cấp bởi Cục Đăng kiểm, sẽ hợp lý hơn khi áp dụng chung yêu cầu này cho xe nhập khẩu", vị đại diện kiến nghị.
Trước kiến nghị trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã yêu cầu đại diện Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải làm rõ, Giấy chứng nhận chất lượng theo yêu cầu của Nghị định 116 đối với xe nhập khẩu là do Chính phủ nước sở tại chứng nhận hay Nhà sản xuất chứng nhận.
Khi nhận được câu trả lời là do Chính phủ nước sở tại nơi đặt nhà máy cấp, Bộ trưởng tỏ ra không hài lòng và yêu cầu đại diện 3 bộ là Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải phải nhanh chóng rà soát và báo cáo trình Thủ tướng xem xét lại vấn đề này ngay lập tức.
Phân tích về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ với các nhà đầu tư Nhật Bản, tư tưởng của Nghị định 116 là nhằm bảo vệ cho cả nhà sản xuất chứ không riêng người tiêu dùng. Dẫn câu chuyện vừa qua, Việt Nam bắt hai lô xe BMW nhập khẩu không đủ tiêu chuẩn, thực tế, là xe cũ được tân trang, để lừa khách hàng, Bộ trưởng chỉ rõ, như vậy là chính uy tín của hãng xe BMW cũng bị ảnh hưởng.
Do vậy, nếu lô hàng nhập khẩu có Giấy chứng nhận của chính nhà sản xuất thì là hợp lý, tránh việc tân trang xe cũ như trường hợp trên.
"Khi nhà sản xuất mở thị trường ở các nước thì việc cung cấp giấy tờ sẽ rất thuận lợi để chứng minh chất lượng hàng hoá, chứng tỏ lô xe này xuất xứ từ đâu, chất lượng ra sao, đồng thời cũng ràng buộc trách nhiệm thu hồi, bảo vệ người tiêu dùng nếu lô xe không đủ chất lượng", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô, Bộ trưởng cho rằng, cần phải nhìn thấy rằng Việt Nam đang tích cực cải cách, tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Việc yêu cầu Giấy chứng nhận của nhà sản xuất hoàn toàn phù hợp với thị trường khi người bán hoàn toàn có thể xác nhận cho người mua về chất lượng và với cam kết chất lượng của mình nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu hồi theo pháp luật cho chính lô hàng nếu kém chất lượng, còn việc yêu cầu giấy chứng nhận của cơ quan quản lý nước sở tại bản thân tôi cũng cảm thấy bất hợp lý, Việt Nam cũng không có quy định nào tương tự như vậy với ô tô trong nước xuất khẩu.
"Tôi nhìn nhận ở đây có dấu hiệu cài cắm chính sách, tạo thêm giấy phép con cho doanh nghiệp, nhà đầu tư", Bộ trưởng nghiêm khắc nhận định trước đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành và nhà đầu tư Nhật Bản. Vì quy định với việc nhập khẩu ô tô đến 1/1/2018 mới có hiệu lực, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét lại quy định này trong thời gian tới.